Di sản - Truyền thống

Di tích lịch sử Đồn Bu Mêra xuống cấp và hư hỏng

Mỹ Hằng 20/05/2023 06:33

Mặc dù chưa được bàn giao đưa vào sử dụng, nhưng hiện nay một số hạng mục của Di tích lịch sử Đồn Bu Mêra, tại xã Đắk Búk So (Tuy Đức) đã bị hư hỏng, xuống cấp.

Di tích lịch sử Đồn Bu Mêra - thuộc Cụm di tích lịch sử các địa điểm về phong trào khởi nghĩa do N’Trang Lơng lãnh đạo ở huyện Tuy Đức (Cụm di tích) trong đấu tranh chống thực dân Pháp.

hinh1-1-1-.jpg
Cổng Di tích lịch sử hoang toàn.

Năm 2007, Cụm di tích được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Sau khi được công nhận, UBND tỉnh Đắk Nông đã có Quyết định 741 về việc Quy hoạch chi tiết xây dựng Dự án trùng tu, tôn tạo Khu di tích lịch sử Đồn Bu Mêra, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Ngày 17/2/2011, UBND tỉnh tiếp tục có Quyết định 243 về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử các địa điểm phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo.

Theo đó, Cụm di tích lịch sử này có diện tích 42 ha, trải dài trên địa bàn các xã Đắk R’tíh, Đắk Búk So, Quảng Tâm được khoanh vùng, triển khai theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng điểm du lịch văn hóa từ nguồn ngân sách Nhà nước.

hinh1-6-(1).jpg
Nhà điều hành không có hiện vật trưng bày.

Năm 2016, Di tích lịch sử Đồn Bu Mêra được đầu tư tôn tạo, phục dựng giai đoạn I (tại địa điểm đồn Bu Mêra) gồm các hạng mục như cổng, tường rào, hào lũy của đồn... với tổng diện tích khuôn viên 28.000m2 . Tổng kinh phí đầu tư 7,2 tỷ đồng do Sở VHTT-DL tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư. Riêng nhà trưng bày truyền thống được phục dựng theo nguyên mẫu làng cổ của người M’nông và có tính sáng tạo như “một bảo tàng sống”. Năm 2019, di tích tiếp tục được đầu tư tôn tạo một số hạng mục như nhà điều hành, dịch vụ và 2 chòi canh, hệ thống điện nước, phòng cháy chữa cháy…

hinh1-7-(1).jpg
Đầu tư tiền tỷ nhưng chất lượng kém nên một số hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp.

Điều đáng nói, dù chưa bàn giao nhưng một số hạng mục của Di tích lịch sử Đồn Bu Mêra đã bị hư hỏng và không được sửa chữa. Cụ thể, mái che của các chòi canh lợp bằng tranh bị tốc, mục nát. Một đoạn nền gỗ ngay dưới căn chòi được xây dựng bằng gỗ bị cháy sém đen một lỗ to. Đèn điện thắp sáng tại căn chòi cũng bị hư và hoặc mất… Trong căn nhà truyền thống, mùi ẩm mốc rất nặng do lâu ngày không được mở cửa. Trong nhà trống không, chưa có một dụng cụ hay hiện vật nào để có thể giới thiệu cho du khách khi đến tham quan. Năm 2020, Sở VHTT-DL có chủ trương bàn giao về cho huyện Tuy Đức quản lý, tuy nhiên, huyện không tiếp nhận với lý do các hạng mục của giai đoạn 1, 2 đã đầu tư nhưng chưa hoàn thiện, không đồng bộ, chưa được quyết toán hoàn thành; các hạng mục đã đầu tư xuống cấp, hư hỏng chưa được sửa chữa.

hinh1-3-(1).jpg
Chòi canh lợp bằng lá nhưng bị mục nát, hư hỏng và không hề có dấu hiệu sửa chữa.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So cho rằng: “Hiện nay Đồn Bu Mêra do Bảo tàng tỉnh Đắk Nông quản lý và chưa bàn giao về cho huyện hay địa phương. Tuy nhiên, hàng tháng, xã đều tổ chức cho đoàn viên thanh niên đến dọn dẹp vệ sinh. Vào các ngày lễ, lớn quan trọng cũng tổ chức cho các em học sinh, đoàn tham quan đến thăm di tích để ôn lại truyền thống đấu tranh của dân tộc..."

hinh1-4-(1).jpg
Vết đốt lửa tại sàn gỗ 

Trao đổi với phóng viên Báo Đắk Nông, ông Lê Ngọc Quang, Giám đốc Sở VHTT- DL tỉnh Đắk Nông cho biết: "Điểm di tích Đồn Bu Mêra thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa và nguồn kinh phí cấp từng đợt theo ngân sách Nhà nước. Dự án được chia làm 2 giai đoạn và còn một số hạng
mục chưa triển khai nên chưa thể bàn giao về cho huyện Tuy Đức quản lý. Mặt khác, thiết kế được phê duyệt yêu cầu phải dùng vật liệu gốc nguyên mẫu nên di tích sử dụng tranh, tre, nứa là vật liệu chính, không được thay thế vật liệu khác, theo thời gian đã bị xuống cấp. Trong khi đó, kinh phí duy tu, bảo dưỡng còn hạn hẹp, phụ thuộc vào nguồn ngân sách. Năm 2023 này, đơn vị có kế hoạch trùng tu, sửa chữa, đồng thời sở tiếp tục chỉ đạo Bảo tàng tỉnh nắm bắt thực tế và thuê một bảo vệ trông coi Di tích".

Mỹ Hằng