Học và làm theo Bác Hồ

Học Bác - học suốt đời

Đức Diệu 19/05/2023 15:00

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập chính là một quá trình tiếp thu tri thức. Việc tự học suốt cuộc đời mỗi người là quan trọng, cần thiết và thường xuyên. Đây là cách tốt nhất để mỗi người làm giàu trí tuệ và nhân cách, để ngày càng tiến bộ…

Học Bác về tinh thần tự học

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng mẫu mực về tinh thần học, tự học và học suốt đời để làm giàu tri thức, nâng cao trình độ mọi mặt của mình. Học và tự học ở Người là một khoa học vừa có kế hoạch cụ thể, chặt chẽ, vừa là một nghệ thuật trên tinh thần học thường xuyên, suốt đời để vừa học, vừa hoạt động cách mạng, phục vụ cách mạng, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân ngày một tốt hơn.

phat-ngon-ct-hcm.png

Người đã từng nhấn mạnh rằng, “nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”.

Do đó, không phải ngẫu nhiên, Người lại nói: “Bác thường nghe nói có đồng chí 40 tuổi đã cho mình là già nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”.

Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, học, tự học luôn gắn liền nhau và đó cũng chính là con đường tốt nhất để mỗi người có thể đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng, nên luôn cố gắng học tập ở mọi nơi, mọi lúc. Người từng tâm sự rằng: “Về văn hóa: Tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông: Năm 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 29 tuổi mới nghe radio lần đầu”. Để nâng cao tri thức, đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng mà Tổ quốc và Nhân dân giao phó, Bác rất chú trọng việc học, tự học và học suốt đời. Vì thế, Người không chỉ khẳng định rằng “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự giai cấp và Nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”, mà còn thực hiện nghiêm túc trên tinh thần nói luôn đi đôi với làm, thống nhất giữa nói và làm, “…tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp. Công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”-Bác từng tâm sự.

a5-dieu-kre-1-1-.jpg
Đắk Nông trồng cây nhân dịp sinh nhật Bác 19/5/2023

Theo Bác, học, tự học và học suốt đời là một dòng chảy liên tục, phát triển không ngừng. Những câu chuyện về việc học, tự học và học suốt đời của Người, nhất là học ngoại ngữ là tấm gương mẫu mực để ai cũng có thể học tập và làm theo. Và cũng vì thế, việc học tự học và học suốt đời theo những chỉ dẫn và tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cho thấy cùng với việc phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, thì mỗi người, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phải “cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập” để nỗ lực học trên tinh thần “làm việc gì học việc nấy”, “ở môn nào phải học cho thạo công việc ở trong môn ấy”…

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng con người. Bác coi con người là nhân tố hàng đầu, nhân tố quyết định mọi thành công. Khái niệm và tiêu chí về con người mới, con người xã hội chủ nghĩa được Bác đặt ra và ngày một được bổ sung, hoàn thiện trong xã hội.

Soi tấm gương Người qua việc học

Khuyến cáo của UNESCO ngày nay về 4 trụ cột của giáo dục là “học để biết, học để làm, học để chung sống, học để làm người”.

Khuyến cáo này cũng đồng nghĩa với quan điểm của Bác về học, tự học. Từ việc học, tự học của Bác đã là tấm gương để chúng ta tự soi, tự chỉnh, tự tu dưỡng trong quá trình học tập, lao động.

Ngày còn trên ghế nhà trường bậc tiểu học, hàng ngày, học sinh đã được học theo bác từ các câu nói bất hủ chọn làm khẩu hiệu tuyên truyền, cổ động treo trên vị trí trang trọng của lớp, của trường như: Học, học nữa, học mãi” hay “Tiên học lễ, hậu học văn”…

phat-ngon-ct-hcm.png

Trong sách giáo khoa phổ thông, ở mỗi cấp học, lứa tuổi, học sinh đều được đọc và học các câu chuyện về Bác như là tấm gương về đạo đức, nhân cách và tình nhân ái… Lúc nhỏ, chúng ta được học Bác về tính giản dị, nhân ái, tôn trọng giá trị lao động qua các chuyện như: Ông Ké, Giả dị, Một que diêm… Lớn lên, chúng ta được học, được nghe các câu chuyện về đối nhân xử thế, nghệ thuật lãnh đạo cách mạnh tài tình của Người.

Cả cuộc đời Bác là một tấm gương, một kho tàng tri thức về nhân sinh quan, đạo đức cách mạng. Chính vì vậy, Ngày nay, Đảng ta xem việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của người là việc làm thường xuyên, liên tục, ở mọi lứa tuổi, lĩnh việc, ngành nghề, mọi giai tầng xã hội. Học tập ở Bác không chior dừng lại việc học, tự học, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức mà còn học ở những việc Bác làm, Bác thực hiện. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi mà sự tiến bộ, xu thế phát triển được tính từng ngày, thậm chí từng giờ thì tư tưởng của Người về việc học, tự học lại càng có giá trị. Trong giai đoạn hiện nay, khi mà một bộ phận, nhất là giới trẻ đang có xu hướng ngại học tập, ngại tìm tòi, ngại khó, ngại khổ mà thiên về cuộc sống hưởng thụ cá nhân thì việc lan tỏa tư tưởng, giá trị, việc làm của Bác về học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng lại càng cần thiết hơn bao giờ hết.

Các chủ đề học Bác gần đây mà Đắk Nông phát động đang cho thấy, việc học Bác đã được các cá nhân, đơn vị cụ thể hóa bằng nhưng hành động, phần việc cụ thể, thiết thực, phù hợp với lĩnh vực công tác, vị trí xã hội và lứa tuổi. Việc học Bác không dừng lại ở giai đoạn hay nhiệm kỳ mà trở thành hoạt động chính trị xuyên suốt, rộng khắp.

Đức Diệu