Quốc hội Slovakia phản đối lệnh cấm sản xuất động cơ đốt trong của EU
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 20:23, 18/05/2023
Bơm xăng cho xe ôtô. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hội đồng Quốc gia (Quốc hội) Slovakia ngày 18/5 đã họp phiên toàn thể và thông qua nghị quyết phản đối lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) việc sản xuất động cơ đốt trong mới sau năm 2035.
Theo nghị quyết vừa được thông qua, Chính phủ Slovakia cũng cần phải bỏ phiếu phản đối bất kỳ đề xuất nào nhằm gây bất lợi, làm tăng giá hoặc cấm sản xuất động cơ đốt trong, đồng thời sẽ tiến hành đàm phán tích cực và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các quốc gia đối tác của EU chống lại lệnh cấm sản xuất động cơ đốt trong, cũng như thúc đẩy nguyên tắc trung lập về công nghệ.
Nghị quyết nêu rõ: "Slovakia phản đối tất cả các sáng kiến và quy định ở cấp độ EU nhằm gây bất lợi và khiến việc sử dụng động cơ đốt trong trở nên đắt đỏ hơn, khi không rõ liệu sáng kiến và quy định đó có lợi cho mục tiêu cao hơn hay không, chẳng hạn như thân thiện hơn với môi trường."
Nghị quyết cũng một lần nữa nhấn mạnh rằng hồi tháng 3, Ủy ban các vấn đề châu Âu của Quốc hội Slovakia đã thông qua nghị quyết, theo đó Bratislava sẽ bỏ phiếu chống lại lệnh cấm sản xuất động cơ đốt trong trên lãnh thổ EU. Do đó, nếu đại diện của Slovakia chấp thuận lệnh cấm của EU thì đây sẽ là hành vi vi phạm pháp luật và vượt quá quyền hạn của cơ quan hành pháp.
Trước Slovakia, ngày 28/2, Bộ trưởng Năng lượng Italy Gilberto Pichetto Fratin tuyên bố nước này dự định bỏ phiếu chống lại kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU), cấm bán ôtô chạy bằng xăng và dầu diesel mới vào năm 2035.
Tại cuộc họp Bộ trưởng Năng lượng Liên minh châu Âu (EU) ở thủ đô Brussels, 27 quốc gia thành viên EU hôm 28/3 đã phê chuẩn việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch đối với ôtô mới từ năm 2035.
Theo văn bản được thông qua, từ giữa thập niên tới, châu Âu sẽ lưu hành các loại ôtô mới không còn thải ra bất kỳ khí CO2, cấm các loại xe chạy bằng xăng, dầu diesel và hybrid một cách hiệu quả, nhường chỗ cho các loại xe chạy hoàn toàn bằng điện.
Trong số 27 nước EU, chỉ có Ba Lan bỏ phiếu chống. Italy, Romania và Bulgaria đã bỏ phiếu trắng./.