Nông nghiệp - Nông thôn

Đắk Nông sản xuất hơn 46.000 ha cây ngắn ngày vụ hè thu

Kim Ngân 18/05/2023 06:10

Ngành Nông nghiệp Đắk Nông đang triển khai đồng bộ các giải pháp để sản xuất vụ hè thu 2023 an toàn, hiệu quả, bảo đảm giành thắng lợi.

Theo kế hoạch, vụ hè thu năm nay, tỉnh Đắk Nông dự kiến gieo trồng hơn 46.000 ha cây ngắn ngày các loại. Trong đó, lúa 7.754 ha, bắp 21.894 ha, đậu phộng 1.137 ha, đậu nành 1.187 ha, rau các loại 2.693 ha…

dsc_9550(1).jpg
Người dân xã Nam Dong (Cư Jút) gieo trỉa đậu nành vụ hè thu

Sản xuất an toàn, hiệu quả

Bước vào vụ hè thu năm nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đã quán triệt thực hiện theo quan điểm sản xuất an toàn, hiệu quả. Theo đó, ngành chuyên môn khuyến cáo các địa phương cần đa dạng cây trồng, sử dụng các giống mới, ngắn ngày, phẩm chất tốt nhằm chống chọi với sâu bệnh và thời tiết bất thuận.

Việc triển khai sản xuất phải theo lịch thời vụ, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để tránh tình trạng khô hạn đầu vụ, ngập úng cuối vụ.

Cùng với đó, các địa phương cần vận động nông dân thay đổi cơ cấu giống để hạn chế nguồn bệnh phát sinh gây hại trên đồng ruộng và sự lẫn tạp với các giống kém chất lượng.

Để thực hiện tốt điều này, các địa phương cần bố trí cơ cấu cây trồng, luân canh hợp lý. Các địa phương cần ưu tiên, mở rộng diện tích các loại cây có ưu thế đã xác định qua các vụ sản xuất như: lúa, bắp lai, khoai lang, bí đỏ...

Ngành Nông nghiệp các địa phương cần chú trọng mở rộng các mô hình sản xuất tiên tiến, nông nghiệp công nghệ cao, theo tiêu chuẩn chứng nhận để nâng cao chất lượng nông sản. Việc tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho nông dân cũng cần được triển khai thường xuyên… 

Ðối với cây lâu năm, cần ổn định diện tích các cây trồng chủ lực hiện có như: cà phê, hồ tiêu, cao su, điều… Từ đó, áp dụng các biện pháp đầu tư thâm canh, chăm sóc, tái canh, cải tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh.

Tỉnh Đắk Nông cũng khuyến cáo người dân không phát triển nóng các loại cây trồng để giảm thiểu rủi ro do sâu, bệnh hại, tình trạng được mùa mất giá… trong sản xuất.

Tăng cường giám sát “đầu vào”

Theo Sở NN-PTNT, để vụ sản xuất diễn ra an toàn, UBND các huyện, thành phố đã thành lập các đoàn liên ngành tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp như: phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng...

Các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, điểm mua bán giống cây trồng…

dsc_8730(1).jpg
Người dân xã Nam Đà (Krông Nô) vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị cho vụ lúa hè thu 

Việc tăng cường giám sát “đầu vào” vật tư nông nghiệp sẽ giúp ngành chức năng sớm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm hạn chế thiệt hại trong sản xuất cho người dân.

Cùng với đó, các địa phương cũng tích cực phối hợp ngành chuyên môn triển khai chương trình khuyến nông, nhân rộng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các loại cây trồng, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng".

Ðặc biệt, trong vụ hè thu, người dân cần chú ý một số sâu bệnh hại trên cây công nghiệp dài ngày như: chết nhanh – chết chậm, tuyến trùng, rệp sáp hại rễ trên cây hồ tiêu; héo đen đầu lá, rụng lá mùa mưa, nấm hồng gây hại trên cao su; rệp sáp, bệnh nấm hồng, gỉ sắt, khô cành, khô quả trên cây cà phê…

Từ đó, bà con có biện pháp xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn cho cây trồng. Đến nay, lượng mưa tại các vùng ở Đắk Nông đã bắt đầu đều hơn. Điều này thuận lợi cho sản xuất, nhưng cũng bắt đầu phát sinh các loại sâu bệnh, dịch hại.

Vì thế, người dân, ngành chức năng cần chú trọng cân bằng giữa sản xuất với phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng. Từ đó, bảo đảm cho vụ hè thu năm nay giành được thắng lợi.

Kim Ngân