Malaysia đối mặt với nguy cơ lạm phát do giá lương thực tăng cao

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 13:43, 17/05/2023

Nhằm giảm nguy cơ lạm phát, Chính phủ Malaysia đã và đang đóng vai trò quản lý lạm phát lương thực thông qua nhiều chính sách, như hạn chế xuất khẩu hoặc mở cửa cho hàng nhập khẩu từ các nước khác...
Malaysia doi mat voi nguy co lam phat do gia luong thuc tang cao hinh anh 1Cảng hàng hóa Penang ở Butterworth, Malaysia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service cảnh báo Malaysia sẽ phải đối mặt với nguy cơ lạm phát lương thực tăng cao, do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và những bất ổn toàn cầu khác.

Phân tích được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về lạm phát gia tăng trên toàn cầu, khi kinh tế thế giới đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các yếu tố như gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa cao hơn và các biện pháp kích thích tài khóa.

Trợ lý Phó Chủ tịch và cũng là nhà phân tích của Moody’s, ông Nishad Majmudar, cho biết trên thực tế mức lạm phát lương thực của Malaysia vẫn ở mức cao kể từ năm ngoái.

Điều này có thể khiến các nhà hoạch định chính sách xem xét những biện pháp bổ sung để giảm thiểu tác động đối với nền kinh tế nói chung.

Ông Nishad lưu ý lạm phát gia tăng có thể dẫn đến các đợt tăng lãi suất tiếp theo Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM), mặc dù ngân hàng này dự kiến sẽ tạm dừng tăng lãi suất sau đợt tăng gần đây nhất.

Trong khi thừa nhận rủi ro tiềm ẩn đối với lạm phát, nhà phân tích Nishad nhấn mạnh Chính phủ Malaysia gần đây đã có thành tích quản lý hiệu quả những rủi ro đó bằng các chính sách cụ thể.

Theo đó, chính phủ đã và đang đóng vai trò quản lý lạm phát lương thực thông qua nhiều chính sách, như hạn chế xuất khẩu hoặc mở cửa cho hàng nhập khẩu từ các nước khác, cũng như quản lý kho dự trữ lương thực.

Bình luận về đồng ringgit, ông Nishad cho biết đồng nội tệ Malaysia nên tăng giá hoặc ít nhất duy trì ổn định ở mức hiện tại nhờ vào thặng dư tài khoản vãng lai phục hồi, xuất khẩu dịch vụ và giá hàng hóa tương đối cao.

Đề cập đến lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ, ông cho rằng lĩnh vực này dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm nay, đặc biệt là với việc mở cửa trở lại ngành du lịch và gia tăng dòng vốn từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Nishad cảnh báo hiệu suất của đồng ringgit cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như biến động của đồng Nhân dân tệ.

Ông giải thích rằng đồng ringgit có xu hướng biến động theo đồng Nhân dân tệ ở một số khía cạnh nhất định. Do đó, nền kinh tế Trung Quốc yếu hơn dự kiến có thể dẫn đến áp lực giảm giá đối với đồng tiền của Malaysia.

Bất chấp những rủi ro này, ông Nishad nhấn mạnh rằng nhìn chung các loại tiền tệ trong khu vực đang phục hồi tốt so với đồng USD. Điều này có thể là tín hiệu tốt cho đồng ringgit./.

(TTXVN/Vietnam+)