Việt Nam và mục tiêu xuất khẩu mắc ca đạt tỷ đô vào năm 2050

Thùy Trang 17/05/2023 05:55

Sau gần 30 năm du nhập vào Việt Nam, cây mắc ca đang dần định hình chỗ đứng trong chuỗi sản xuất nông nghiệp. Phát triển mạnh và bài bản cây trồng này, Việt Nam hướng tới mục tiêu xuất khẩu tỷ đô vào năm 2050.

screenshot-828-.png

Cây “đi sau, về trước”

Cây mắc ca được đưa vào thử nghiệm tại Việt Nam năm 1994 tại Trung tâm Ba Vì, Hà Nội. Và chỉ 5 năm sau đã có kết quả khả quan về sinh trưởng, phát triển và triển vọng kinh tế. Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng về đất đai và khí hậu thích hợp với phát triển cây mắc ca.

4908_mac-ca.jpg

Năm 2018, nhận thấy những lợi ích của mắc ca về kinh tế và môi trường, Chính phủ Việt Nam xác định mắc ca là 1 trong 20 loại cây trồng lâm nghiệp chính của Quốc gia.

 Thời gian qua, hoạt động trồng, chế biến, xuất khẩu sản phẩm mắc ca có nhiều kết quả đáng mừng. Hiện cả nước đã có 29 tỉnh trồng được mắc ca với diện tích hơn 20.000 ha, chủ yếu ở 2 vùng Tây Bắc và Tây Nguyên.

2_1637220248504.jpg
Bà con Tây Bắc chăm sóc cây mắc ca

Đã có nhiều mô hình trồng mắc ca cho thu nhập khá và ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Theo các chuyên gia, cây mắc ca chứa đựng nhiều giá trị xã hội đặc biệt, không chỉ đơn thuần là hiệu quả kinh tế, vì cây mắc ca có thể vào vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng khó khăn, vùng đồng bào có thu nhập thấp, là cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu.

Đây là một loại cây, loại quả có thể “đi sau, về trước” nếu biết cách làm, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết chuỗi giá trị.

macca.jpg

Sau gần 125 năm, cây cà phê trở thành cây công nghiệp đứng 2 thế giới về xuất khẩu của Việt Nam. Mắc ca có thể “đi sau, về trước” để trở thành mặt hàng đứng đầu thế giới của Việt Nam trong thời gian ngắn hơn nhiều.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, mắc ca của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 21 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong đó có Thái Lan, Đức, Malaysia, Hồng Kông, Hà Lan, Hoa Kỳ… Sản phẩm mắc ca tại Việt Nam chủ yếu là hạt sấy khô, nhân.

884(1).jpg
Nhân mắc ca

Việc sản phẩm hạt mắc ca của Việt Nam đã bước đầu thâm nhập được các thị trường lớn, khó tính trên thế giới cũng như ngay tại thị trường nội địa mở ra cơ hội tốt cho phát triển trồng cây mắc ca ở Việt Nam.

 Cũng theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm mắc ca trên thế giới ngày càng tăng, dự báo đến 2025 thị trường cần khoảng 220.000 tấn nhân, tương đương 850.000 tấn hạt tươi. Ở Việt Nam, dư địa mở rộng thị phần của mắc ca tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hà Lan, Đức còn lớn.

Ngoài ra, so với nhiều nước xuất khẩu hạt mắc ca lớn trên thế giới tại khu vực châu Phi và Nam Mỹ thì Việt Nam có lợi thế hơn khi đã tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do với hầu hết các thị trường nhập khẩu.

Phát triển mắc ca thành ngành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững

7581(1).jpg
Sản phẩm mắc ca của Đắk Nông được trưng bày tại các hội chợ thương mại

Tại Đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam xác định từng bước hình thành ngành hàng mắc ca theo chuỗi giá trị sản phẩm từ trồng, đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế…

Mục tiêu là phát triển mắc ca thành ngành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

d6671e(1).jpg
Sản phẩm mắc ca được giới thiệu bán trên nhiều kênh

Đề án phấn đấu sản lượng mắc ca qua chế biến đạt khoảng 130.000 tấn hạt vào năm 2030, khoảng 500.000 tấn hạt vào năm 2050.

Theo định hướng, quy mô diện tích trồng phấn đấu tổng diện tích mắc ca cả nước đạt từ 130.000 - 150.000 ha vào năm 2030, tập trung tại các tỉnh vùng Tây Bắc (khoảng 75.000 - 95.000 ha, chủ yếu tại các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu), vùng Tây Nguyên (khoảng 45.000 ha, chủ yếu tại các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông, Kon Tum) và một số địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với yêu cầu sinh thái của cây mắc ca (khoảng 10.000 ha).

hat-macca-say-nut-vo-tui-450(1).jpg

Giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm mắc ca đạt khoảng 400 triệu USD vào năm 2030, khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2050, trong đó tỷ lệ sản phẩm mắc ca nguyên vỏ không vượt quá 40%.

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá hiệu quả phát triển mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, sẽ định hướng cụ thể về quy mô diện tích và vùng trồng mắc ca đến năm 2050, phấn đấu đạt khoảng 250.000 ha.

320221(1).jpg
Chế biến mắc ca

Về cơ sở chế biến, đến năm 2030 khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến mắc ca gắn với vùng trồng nguyên liệu tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên; nâng cấp 65 cơ sở sơ chế, chế biến hiện có, xây dựng mới khoảng 300 - 400 cơ sở sơ chế, chế biến, công suất mỗi cơ sở từ 100 - 200 tấn hạt/năm.

Đề án nêu rõ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng khoảng 8 nhà máy chế biến sâu các sản phẩm mắc ca có giá trị cao, công suất mỗi cơ sở từ 10.000 - 15.000 tấn hạt tươi/năm tại những địa phương có điều kiện thuận lợi.

3_44(1).jpg
Khuyến khích hình thành chuỗi ngành hàng mắc ca từ trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm

Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất mắc ca thông qua cầu nối hợp tác xã và tổ hợp tác xây dựng vùng trồng mắc ca tập trung, hình thành chuỗi ngành hàng mắc ca từ trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Các nhà khoa học hỗ trợ các địa phương nghiên cứu vùng trồng mắc ca thích hợp cho từng dòng/giống; chuyển giao khoa học công nghệ từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và chế biến sản phẩm cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Để phát triển thị trường tiêu thụ, giải pháp đặt ra đối với thị trường trong nước, các địa phương hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm mắc ca, gắn với chỉ dẫn địa lý; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, giới thiệu để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm mắc ca.

da7-1-.jpg
Mắc ca là một trong loại quả có thể chế biến tinh dầu

Đối với thị trường xuất khẩu, các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và doanh nghiệp thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, tháo gỡ rào cản thương mại. 

Các địa phương và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nhân và hạt mắc ca nguyên vỏ, các sản phẩm mắc ca chế biến sâu vào thị trường các nước.

Thị trường tiêu thụ rộng lớn

56ca(1).jpg
Nhu cầu sử dụng hạt nhân mắc ca vẫn duy trì ở mức tăng trưởng cao

Theo số liệu của Hội đồng hạt quả khô thế giới (INC), trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành mắc ca phát triển tăng cả về sản lượng (từ hơn 27.500 tấn nhân vào năm 2009 lên hơn 60.000 tấn nhân vào năm 2019), cũng như nhu cầu tiêu thụ (tăng từ hơn 29.000 tấn nhân vào năm 2009 lên hơn 58.000 tấn nhân vào năm 2018).

INC cho biết, tình hình tiêu thụ nhân mắc ca trên thế giới, trong 5-6 năm tới, nhu cầu sử dụng hạt nhân mắc ca vẫn duy trì ở mức tăng trưởng cao. Cũng theo dự báo của INC, đến năm 2030, lượng cung mắc ca trên toàn thế giới mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Thị trường chính tiêu thụ các sản phẩm mắc ca hiện nay là Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước khu vực Trung Đông, Ấn Độ… Trong tương lai, số lượng người tiêu dùng biết đến các sản phẩm mắc ca tại các quốc gia đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ… sẽ tăng nhanh, vì vậy nhu cầu tiêu thụ mắc ca tại các thị trường tiềm năng này sẽ ngày càng tăng cao.

3208.jpeg
Nguồn: vnexpress.net

Thùy Trang