Nông nghiệp - Nông thôn

Đắk Nông tái cơ cấu 3 nhóm sản phẩm nông nghiệp 

Hồng Thoan 16/05/2023 05:43

Đắk Nông thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN) theo 3 nhóm sản phẩm gồm: nhóm chủ lực cấp tỉnh, nhóm tiềm năng và nhóm chủ lực địa phương. Đến nay, việc tái cơ cấu theo hướng này đã đạt được những kết quả tích cực.

dsc_0425(1).jpg
Cà phê là một trong những sản phẩm chủ lực của Đắk Nông

Đối với nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh được xác định gồm: cà phê, hồ tiêu, cao su, điều. Trong đó, cà phê được tỉnh xác định duy trì ở mức 134.000 ha. Vùng tập trung cà phê ở các huyện: Đắk Mil, Đắk Song, Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Glong và Krông Nô.

Cây hồ tiêu được tỉnh xác định phát triển khoảng 34.000 ha. Diện tích hồ tiêu tập trung tại các huyện: Đắk Song, Đắk R’lấp, Đắk Glong, Tuy Đức và Cư Jút.

Đối với cây cao su, tỉnh giảm diện tích ở những địa bàn không phù hợp và duy trì khoảng 24.000 ha tại Cư Jút, Đắk R’lấp, Đắk Glong, Krông Nô và Tuy Đức.

Đắk Nông duy trì khoảng 16.000 ha điều tại Cư Jút, Krông Nô, Đắk R’lấp, Tuy Đức. Các giống điều mới có năng suất, chất lượng sản phẩm tốt, phù hợp với điều kiện thời tiết sẽ được thay thế cho những diện tích điều cũ.

Ngoài các sản phẩm chủ lực, việc TCCNN theo nhóm sản phẩm tiềm năng cũng được các cấp, ngành đẩy mạnh. Tỉnh xác định nhóm sản phẩm tiềm năng gồm: bò thịt, dược liệu, mắc ca.

Nhóm sản phẩm chủ lực địa phương được xác định khá đa dạng. Cụ thể gồm: lúa, ngô, khoai lang, đậu tương, đậu phụng, sầu riêng, bơ, cây ăn quả có múi (cam, quýt, chanh, bưởi), mít, xoài, chanh dây, rau, hoa, thịt heo, gia cầm, thủy sản, gỗ, sản phẩm từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ...

Hiện nay, nhiều địa phương đang đẩy mạnh TCCNN theo các nhóm sản phẩm chủ lực. Tại Đắk Mil, huyện đang tập trung cho việc phát triển cà phê theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil cho biết, huyện tập trung nâng cao giá trị sản phẩm cà phê bằng ứng dụng công nghệ cao từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản, chế biến...

Huyện đang đẩy mạnh tái canh cà phê bằng các giống chất lượng cao. Đắk Mil hiện có khoảng 1.400/21.000 ha cà phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế như 4C, UTZ, Fair trade...

Theo Phòng NN-PTNT huyện Cư Jút, cây đậu nành đã phát triển ở địa phương khoảng 30 năm. Huyện xác định, đây là một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương.

Hiện nay, người dân rất chú trọng việc ổn định sản xuất đậu nành. Bình quân mỗi năm, nông dân trên địa bàn sản xuất khoảng 1.000 ha đậu nành.

dsc_0102(1).jpg
Đậu nành là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Cư Jút

Ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng NN- PNNT huyện Cư Jút cho biết, huyện đã hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm chủ lực giữa người dân với doanh nghiệp.

Trong đó, doanh nghiệp cung ứng giống, kỹ thuật, vật tư và bao tiêu đầu ra sản phẩm lâu dài cho bà con. Còn bà con sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, cung cấp sản phẩm bảo đảm chất lượng.

Ngành Nông nghiệp Đắk Nông đang phấn đấu đến 2025 sẽ đạt một số chỉ tiêu quan trọng. Trong đó, tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp tăng bình quân 5,6%/năm.

Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực của nông, lâm, thủy sản của tỉnh đạt bình quân 4,5%/năm. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp đạt trên 95 triệu đồng/năm...

Lãnh đạo Sở NN- PTNT cho biết, việc xác định rõ các nhóm sản phẩm trong TCCNN nhằm tạo ra các ngành hàng thế mạnh, đặc trưng cho tỉnh.

Từ đó góp phần hình thành, đẩy mạnh xây dựng các trục sản phẩm khép kín, có tính liên thông từ huyện, tỉnh, quốc gia, hướng đến xuất khẩu quốc tế.

Hiện nay, việc thực hiện TCCNN theo các nhóm sản phẩm đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, tỉnh đã nâng tầm các chuỗi giá trị sản phẩm cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả...

Diện tích, cơ sở sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt các chứng nhận quốc tế ngày càng tăng. Kết quả này là sự nỗ lực, đồng hành của người dân, doanh nghiệp, chính quyền trong thời gian qua...

Hồng Thoan