“Siêu thị mini áo quần 0 đồng” của cô giáo Trà Thị Nhiều
“Siêu thị mini áo quần 0 đồng” của cô giáo Trà Thị Nhiều, Trường THCS Lê Quý Đôn, xã Trường Xuân (Đắk Song) đã và đang mang đến sự ấm áp cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Trường Xuân và khu vực lân cận.
“Siêu thị mini áo quần 0 đồng” nằm ngay cạnh quốc lộ 14 thuộc thôn 10, xã Trường Xuân (Đắk Song), hàng ngày, nhiều người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số đến đây lựa chọn những bộ quần áo phù hợp để sử dụng.
Cầm trên tay những bộ áo quần ưng ý mới chọn được, chị Thị Oan, thôn 7, xã Trường Xuân cho hay: “Nhà nghèo lại đông con nên tôi ít khi mua quần áo cho bản thân và mọi người trong nhà. Từ ngày có “Siêu thị mini áo quần 0 đồng” của cô giáo Nhiều, tôi thường đến lựa quần áo cho cả nhà. Quần áo ở đây nhiều bộ còn mới, đẹp lắm”.
Tương tự, chị Thị Nhi cũng phấn khởi: “Không phải mua đồ mới ngoài chợ, tôi có thể tiết kiệm được một khoản để dành lúc ốm đau, bệnh tật. Chúng tôi cảm ơn tấm lòng dành cho những hoàn cảnh khó khăn, người nghèo của cô giáo Nhiều”.
“Siêu thị mini áo quần 0 đồng” do cô Nhiều thành lập, đi vào hoạt động hơn 1 tháng nay. Những bộ áo quần tuy không mới nhưng sạch sẽ, được cô Nhiều phân loại theo từng lứa tuổi, đối tượng trông như một shop thời trang đa dạng mẫu mã, chủng loại. Đến đây, bà con lao động nghèo, hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số... có thể lựa chọn cho mình những bộ áo quần vừa ý không tốn tiền mua (0 đồng).
Theo cô Nhiều, do gia đình trải qua biến cố, từng nhận được quần áo từ gian hàng 0 đồng nên muốn làm điều gì có ích cho xã hội, nhất là người nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, từ năm 2010, gia đình cô Nhiều xảy ra biến cố, tài sản mất hết, phải đi ở trọ. Mùa mưa, áo quần không đủ mặc nên khi biết ở thị trấn Đắk Mil có gian hàng áo quần 0 đồng, cô đã đến xin vài bộ cho con. Từ đó, cô tâm niệm sau này khi có điều kiện sẽ mở một quầy hàng như vậy để phục vụ bà con.
Đầu năm 2023, thông qua người quen khi đi làm từ thiện chung, cô Nhiều đã kết nối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, đội nhóm từ thiện trong và ngoài tỉnh hỗ trợ, gom đưa áo quần để thành lập “Siêu thị mini áo quần 0 đồng”. Cô Nhiều còn bỏ tiền túi thuê mặt bằng ngay cạnh quốc lộ 14 để thuận tiện cho người dân đến lựa chọn. Mỗi khi có quần áo từ các nơi tập kết về, cô nhờ học sinh, phụ nữ sống gần nhà hỗ trợ phân chia quần áo ra từng loại, đối tượng để bà con dễ chọn. Để nhiều người biết đến, cô thông báo và nhờ bạn bè, đồng nghiệp, người thân chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội facebook, zalo…
Cô giáo Nhiều chia sẻ: “Của cho không bằng cách cho”, vì vậy, chỉ là quần áo cũ nhưng khi cho đi tôi đều dành sự trân trọng để người nhận được vui lòng. Nhìn những nụ cười, ánh mắt hạnh phúc khi nhận áo quần phù hợp, tôi cảm thấy rất ấm lòng. Còn với những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn nhận được sự quan tâm của cộng đồng, xã hội, dù là vật chất hay tinh thần cũng sẽ là niềm động lực lớn lao để họ tiếp tục vượt qua những chông gai, trở ngại trong cuộc sống" .