Nghị quyết và cuộc sống

Giải pháp để nông nghiệp Đắk Mil đột phá

Hoàng Bảo 15/05/2023 11:41

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến sâu và tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực cho nông sản là một trong 3 khâu đột phá được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đắk Mil nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định.

Kết quả khả quan

Để cụ thể hóa khâu đột phá ngày 16/4/2021, huyện Đắk Mil đã ban hành Nghị quyết số 05 về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng cao gắn với công nghiệp chế biến và xúc tiến xuất khẩu nông sản chủ lực của địa phương, giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, hằng năm, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các giải pháp trước mắt, lâu dài để tập trung thực hiện.

Qua nửa nhiệm kỳ, việc thực hiện khâu đột phá này bước đầu mang lại những kết quả khả quan. Đắk Mil đã hình thành 1 vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao, với quy mô 335 ha tại xã Thuận An, được UBND tỉnh công nhận. Trong đó, huyện đã thành lập và hoạt động hiệu quả Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Thuận An và 186 hộ nông dân tham gia. Hiện nay, Đắk Mil đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chí để công nhận vùng sản xuất xoài ứng dụng công nghệ cao tại xã Đắk Gằn.

h2(1).jpg
Cà phê là một trong những thế mạnh của Đắk Mil về sản xuất nông nghiệp.

Theo đánh giá của Huyện ủy Đắk Mil, việc phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm, tạo vùng nguyên liệu tập trung, gắn với chế biến và xuất khẩu.

Phát triển nông nghiệp bền vững

Tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Tỉnh ủy Đắk Nông với Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Mil vào đầu tháng 4/2023, nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện khâu đột phá về nông nghiệp của huyện cần phải tập trung, quyết tâm cao và có các giải pháp căn cơ hơn.

Theo đồng chí Lê Trọng Yên, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Đắk Mil là vùng đất có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế, trong đó có nông nghiệp. Mặc dù 70% diện tích đất là sản xuất nông nghiệp, nhưng huyện chưa có sản phẩm nào mang tính đột phá, đặc trưng. Do đó, Đắk Mil cần tổ chức sản xuất mang tính lợi thế để mang lại giá trị cao. Riêng xoài có thể sản xuất diện tích ít, nhưng bảo đảm về giá cả và chế biến sâu thì tốt hơn. Địa phương nên lấy Hợp tác xã Công Bằng Thuận An làm mô hình điểm để nhân rộng trong sản xuất nông nghiệp.

Đồng quan điểm, đồng chí Trần Xuân Hải, UVTV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy cho rằng, huyện Đắk Mil phải quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp cụ thể, mang tính bền vững, đồng thời tuyên truyền, vận động để Nhân dân không phát triển ồ ạt, tự phát, chạy theo phong trào. Đồng chí Trần Xuân Hải viện dẫn, trước đây, sầu riêng trồng rải rác, quy mô nhỏ, giá thành cao, nên nhà nhà đều đổ xô đi trồng. Nếu diện tích cứ tăng sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa, cung vượt cầu.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đánh giá cao kết quả Đắk Mil đạt được trong nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, trong đó có khâu đột phá về phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến sâu và tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực cho nông sản.

"Để phát triển nông nghiệp bền vững, Đắk Mil phải xác định sản phẩm thế mạnh, chủ lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả trên cùng một diện tích. Nông sản làm ra đều được tiêu thụ hết. Để làm được điều này, huyện Đắk Mil cần quyết liệt thực hiện chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông nghiệp công nghệ cao; chú trọng phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất liên kết theo hướng chuỗi giá trị".

Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy,
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Hoàng Bảo