Đời sống

"Cha ơi, cha về đi…!"

Thanh Hằng 15/05/2023 11:38

Lời bài hát cũng là nỗi lòng của chị Trần Thị Thủy khi đứng trước đảo Gạc Ma, nơi người cha của chị- Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân Trần Văn Phương hy sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Tham gia Đoàn công tác số 8 của Quân chủng Hải quân tới thăm, tặng quà và động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), có lẽ Đại úy Trần Thị Thủy đang công tác tại Quân chủ Hải quân là vị khách mời đặc biệt nhất. Chuyến công tác ấy, không chỉ là cơ hội để chị gặp gỡ đồng đội của mình mà còn là dịp để chị được “trò chuyện, tâm sự” với người cha đã mất- liệt sĩ Trần Văn Phương.

tran-thi-thuy-1(1).jpg
Đại úy Trần Thị Thủy viết lời nhắn và hạc giấy trước khi thả xuống biển, nơi cha mình mãi nằm lại.

Sáng 6/5, ngay trên tàu 571 (chở đoàn công tác), cách đảo Gạc Ma khoảng vài hải lý, đoàn công tác dành một phút tưởng niệm những liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa. Trong tiếng nhạc Chiêu hồn tử sĩ, vòng hoa đỏ thắm hình cờ đỏ sao vàng được đặt xuống mặt nước biển, cùng với đó là hàng trăm cánh hạc giấy, dập dìu trên mặt sóng. Đại úy Trần Thị Thủy đôi mắt đỏ hoe, hướng về một vùng biển rộng lớn.

Chị Thủy cho biết, đây là lần thứ 4 tới Trường Sa nhưng lần nào cũng mang đến cho chị Thủy những cảm xúc đặc biệt. Bởi đến với Trường Sa là cách gần nhất chị cảm nhận được người cha đã mất, đang ở bên mình.

tran-thi-thuy-3(1).jpg
Vòng hoa và hàng trăm con hạc giấy được thả xuống vùng biển nơi xảy ra trận chiến Gạc Ma.

Đặt chân lên đảo Cô Lin, nơi cha chị và đồng đội đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ toàn vẹn, chị Thủy như cảm nhận được cha đang ở bên mình. Liệt sĩ Trần Văn Phương hy sinh khi chị Thủy còn trong bụng mẹ, nữ đại úy hải quân chỉ biết về người cha anh hùng qua lời kể của bà, của mẹ và những di ảnh còn xót lại. Chưa kịp cảm nhận hơi ấm thì cha đã hy sinh, sự mất mát chính chị là người hiểu và cảm nhận rõ nhất.

tran-thi-thuy-4(1).jpg
Đảo Gạc Ma hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Trong giờ phút ngắn ngủi được tới thăm đảo Cô Lin, chị Thủy dành lời động viên tới cán bộ, chiến sĩ đang vững tay súng làm nhiệm vụ trên đảo.

Cùng là những người lính hải quân, lại là con của một liệt sĩ Trường Sa, chị Thủy hiểu được những khó khăn, vất vả thậm chí là hiểm nguy nơi đầu sóng, ngọn gió. Lời động viên có lẽ sẽ không đủ nhưng đó là món quà tinh thần, là tình cảm của đồng đội, của đất liền gửi những chiến sĩ ngoài đảo xa.

tran-thi-thuy-2(1).jpg
Đại úy Trần Thị Thủy thể hiện ca khúc được viết dành riêng cho người con của liệt sĩ trận chiến Gạc Ma.

Xúc động đứng trước hàng trăm vị đại biểu, đại úy Trần Thị Thủy rưng rưng cất tiếng hát, một bài hát được sáng tác dành riêng cho chị.

Những ca từ như chất chứa nỗi lòng của một người con, là lời của một đứa trẻ mồ côi cha, nhưng nó thiêng liêng, xúc động và đầy tự hào khi người cha ấy đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

tran-thi-thuy-5(1).jpg
Tất cả đại biểu đều xúc động khi nghe chị Thủy thể hiện ca khúc này.

“Cha ơi, cha về đi…”, đôi mắt của chị Thủy hướng về phía đảo Gạc Ma. Có lẽ, tiếng gọi ấy không chỉ là của riêng chị Thủy mà là tiếng gọi của những người con của những liệt sĩ đã hy sinh. Họ đã sống và chiến đấu, hóa thành bất tử, để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng.

Đại úy Trần Thị Thủy, con gái Liệt sĩ Trần Văn Phương hát ca khúc viết riêng dành cho chị.

Thanh Hằng