Chưa thể thống nhất về lệnh ngừng bắn, giao tranh tiếp diễn tại Sudan

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:39, 13/05/2023

Kể từ khi xung đột vũ trang nổ ra ngày 15/4 cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và khiến hàng trăm nghìn người phải sơ tán, các bên tham chiến tại Sudan vẫn chưa sẵn sàng ngừng giao tranh.

Chua the thong nhat ve lenh ngung ban, giao tranh tiep dien tai Sudan hinh anh 1Binh sỹ quân đội Sudan gác trên một đường phố ở Khartoum, ngày 6/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 12/5, các cuộc không kích và pháo kích tiếp tục diễn ra thủ đô Khartoum của Sudan sau khi quân đội nước này và Các Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) chưa thể thống nhất được về một lệnh ngừng bắn, dù hai bên đã cam kết bảo vệ dân thường và tạo điều kiện cho các hoạt động viện trợ nhân đạo.

Quân đội Sudan và RSF đã ký tuyên bố nguyên tắc tại Saudi Arabia vào cuối ngày 11/5 sau gần một tuần đàm phán.

Cố vấn của RSF Moussa Khadam cam kết lực lượng bán quân sự này sẽ tuân thủ các nguyên tắc đã thống nhất và đang hướng tới một lệnh ngừng bắn hoàn toàn.

Tuy nhiên, bạo lực vẫn tái diễn và phía quân đội hiện chưa có bình luận gì.

Kể từ khi xung đột vũ trang nổ ra ngày 15/4 vốn cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và khiến hàng trăm nghìn người phải sơ tán, các bên tham chiến tại Sudan vẫn chưa sẵn sàng ngừng giao tranh.

Xung đột đã làm tê liệt nền kinh tế Sudan, bóp nghẹt hoạt động thương mại của nước này, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây và có nguy cơ đẩy Sudan vào một cuộc nội chiến toàn diện.

Ngày 9/5, phát biểu trong cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, bà Hanna Serwaa Tetteh, Đặc phái viên vùng Sừng châu Phi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, cho rằng giao tranh ở Sudan không chỉ tác động mạnh mẽ đến người dân Sudan mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới quan hệ song phương giữa Sudan và Nam Sudan.

Theo bà Tetteh, xung đột ở Sudan, diễn ra từ ngày 15/4 giữa SAF và RSF, đang đặt ra rủi ro cho tiến trình giải quyết khúc mắc trong quan hệ giữa Sudan và Nam Sudan, vốn đang có nhiều bước tiến.

Bà Tetteh cho biết Chính phủ Nam Sudan cũng lo ngại về những hậu quả của xung đột ở Sudan đối với ổn định và an ninh của Nam Sudan.

Tình hình bất ổn ở Sudan đã khiến người tị nạn Nam Sudan tại đây quay trở về, với khả năng hơn 200.000 người tị nạn Nam Sudan tại Sudan trở về nước, nơi có tới 2/3 dân số cần hỗ trợ nhân đạo.

Theo đặc phái viên Liên hợp quốc về Sudan Volker Perthes, các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa quân đội Sudan và RSF dự kiến sẽ được nối lại vào cuối tuần này.

Trước đó, hai bên đã có nhiều thỏa thuận ngừng bắn nhưng đều bị phá vỡ./.

Nguyễn Trường (TTXVN/Vietnam+)

Nguyễn Trường (TTXVN/Vietnam+)