Anh: Làn sóng đình công diễn ra trước chung kết Eurovision và Cúp FA

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 19:14, 12/05/2023

Các nhân viên lái tàu của nghiệp đoàn Aslef tại Anh dự kiến tiếp tục đình công đòi tăng lương vào đêm chung kết Eurovision Song Contest và ngày diễn ra trận chung kết Cúp FA tại sân Wembley.

Anh: Lan song dinh cong dien ra truoc chung ket Eurovision va Cup FA hinh anh 1Cảnh vắng vẻ tại nhà ga Euston ở London, Anh, ngày 12/5/, sau khi các nhân viên lái tàu tiến hành đình công. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 12/5, các nhân viên lái tàu tại vùng England của nước Anh đã tiến hành một đợt đình công mới trong bối cảnh đêm chung kết Cuộc thi Ca khúc Truyền hình châu Âu (Eurovision Song Contest) sẽ diễn ra vào cuối tuần này.

Hoạt động vận tải của ngành đường sắt tại đây dự kiến sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng.

Các nhân viên lái tàu của nghiệp đoàn Aslef tại Anh dự kiến tiếp tục đình công đòi tăng lương vào ngày 31/5 và 3/6 tới, cũng là ngày diễn ra trận chung kết Cúp FA tại sân Wembley.

Lãnh đạo Aslef Mick Whelan đã gửi lời xin lỗi đến các hành khách do các bất tiện, song vẫn khẳng định quyết tâm đòi quyền lợi cho các nhân viên của ngành đường sắt.

Các nhân viên đang yêu cầu giới chủ tăng lương để họ có thể trang trải chi phí sinh hoạt tăng cao, trong bối cảnh lạm phát leo thang. Nghiệp đoàn đường sắt cho rằng mức tăng lương 4% hiện tại mà các chủ doanh nghiệp đưa ra là không thỏa đáng.

Trong khi đó, các thành viên của nghiệp đoàn đường sắt, hàng hải và giao thông vận tải sẽ thực hiện cuộc tuần hành vào ngày 13/5, trùng ngày diễn ra chung kết Eurovision Song Contest tại thành phố Liverpool.

Về phần mình, Chính phủ Anh đã kêu gọi các nghiệp đoàn chấm dứt những đợt đình công kéo dài nhiều tháng, cho rằng đình công vào thời điểm diễn ra các sự kiện lớn là "không chấp nhận được."

Chia sẻ với báo giới, Bộ trưởng Đường sắt Huw Merriman cho biết đã đưa ra những đề xuất cụ thể với lãnh đạo hai nghiệp đoàn trên, nhưng không khiến họ thay đổi quyết định.

Anh đối mặt với vấn nạn đình công kéo dài từ năm ngoái, chủ yếu do khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến người lao động trong nhiều ngành nghề, từ y tá đến luật sư, đã tiến hành đình công đòi tăng lương. Làn sóng đình công cũng lan sang nhiều nước châu Âu khác như Pháp, Đức, Tây Ban Nha,...

Ngày 11/5, Nghiệp đoàn Đường sắt và Vận tải Đức (EVG) đã kêu gọi các nhân viên ngành này đình công trên cả nước trong 50 giờ, bắt đầu từ tối 14/5, nhằm gây sức ép với giới chủ trong các cuộc đàm phán tăng lương cho người lao động.

Trước đó, lãnh đạo các công ty đường sắt tại Anh đã đưa ra một số đề xuất mới cho nhân viên nhằm chấm dứt đình công dai dẳng nhiều tháng nay, liên quan vấn đề lương và điều kiện làm việc.

Mạng lưới giao thông của Anh đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do một loạt các cuộc đình công trong suốt những tháng qua. Các nhân viên đang yêu cầu giới chủ tăng lương để họ có thể xoay xở với chi phí sinh hoạt tăng cao, trong bối cảnh lạm phát leo thang.

Theo đại diện tập đoàn Rail Delivery Group (RDG), các chủ doanh nghiệp đã đưa ra một số đề xuất sửa đổi nhằm đảm bảo công bằng và làm rõ các điều khoản liên quan điều kiện làm việc cho nhân viên.

Về phần mình, Nghiệp đoàn Đường sắt, Hàng hải và Vận tải (RMT) của Anh cho biết họ đang cân nhắc đề xuất trên và chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Tháng trước, tranh cãi tiền lương liên quan Network Rail - công ty sở hữu và vận hành đường sắt và cơ sở hạ tầng tín hiệu - đã được giải quyết sau khi đa số các thành viên RMT chấp thuận đề xuất tăng lương của công ty đường sắt này, qua đó chấm dứt các cuộc đình công gây ảnh hưởng trên quy mô lớn thời gian qua. RMT đại diện cho quyền lợi của 20.000 nhân viên Network Rail.

Làn sóng đình công ở Anh đã lan rộng khi công nhân trong các lĩnh vực vận tải, y tế, giáo dục... yêu cầu được tăng lương để đối phó với lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao./.

Hoàng Châu (TTXVN/Vietnam+)

Hoàng Châu (TTXVN/Vietnam+)