Đời sống

Vì con mẹ sẽ cố gắng

Hoàng Bảo 12/05/2023 06:07

Không may sinh con ra khiếm khuyết do bệnh tật, những người làm mẹ chưa bao giờ thôi lo lắng, trăn trở, ước mơ có được nụ cười trọn vẹn cũng chỉ là điều xa vời.

Sẵn sàng nghỉ việc để đồng hành cùng con

Năm nay con đã được gần hơn 13 tuổi, nhưng chị N.T.T.L, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) chưa lần nào được ngủ giấc tròn. Chị L kể, khi mang thai đứa con trai đầu lòng, vợ chồng chị vỡ òa hạnh phúc, chỉ mong sao đến ngày con ra đời khỏe mạnh, chứng kiến con đi những bước đầu tiên đến tiếng gọi thân thương “mẹ”, “bố”. Vậy mà phải mất rất nhiều năm, ước mơ ấy mới thực hiện được.

img_2584(1).jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh thăm, tặng quà trẻ em khuyết tật ở Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh.

Quá trình hơn 9 tháng mang thai, chị L đều đi thăm khám bác sĩ định kỳ và lần nào, chị cũng được thông báo em bé phát triển khỏe mạnh, không có khiếm khuyết hay dị tật. Vậy mà, khi con bắt đầu được một tuổi, chị quan sát thấy hành vi của con có nhiều khác biệt so với các bạn cùng độ tuổi. Bé ít tương tác, bố, mẹ, gọi nhiều lần bé mới quay lại phản ứng, nhưng chỉ một giây sau bé lại quay đi hướng khác, nhìn chăm chăm vào một hướng. Càng lớn biểu hiện càng rõ hơn, bé chỉ thích chơi một mình, không nói chuyện hay tương tác với các bạn khác.

Vợ chồng chị đã đưa bé đi khám tâm lý nhiều nơi và được biết bé bị bệnh tự kỷ. Sau đó, qua tư vấn của bác sĩ, chị xin nghỉ việc để ở nhà đồng hành cùng con. Những ngày đầu, chị cũng buồn và nản vì dù mẹ làm bao nhiêu hoạt động, nói rất nhiều điều, nhưng con vẫn không tiếp nhận. Có những lúc tủi thân, chị khóc rất nhiều, nhưng sau đó, chị lại động viên cố gắng và chấp nhận bệnh của con.

Từ đó, mỗi ngày, chị đều dậy sớm để xem các video hướng dẫn dạy trẻ tự kỷ. Khi con ngủ dậy, ăn sáng, sinh hoạt xong, hai mẹ con lại vào phòng có không gian nhỏ để tập trung sự chú ý của con. Dần dần, con của chị đã biết gọi tiếng mẹ. Lúc ấy, chị mừng khôn xiết.

Nghe tiếng mẹ mà tôi nước mắt lăn dài. Bao nhiêu khó khăn, áp lực, mệt mỏi thậm chí là bất lực đều không còn. Tôi có thêm động lực để đồng hành cùng con trong cuộc sống. Vì con mẹ sẽ cố gắng, không bỏ cuộc, không gục ngã”

Chị N.T.T.L, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa)

Khi con đến tuổi đi học lớp 1, trong khi các bạn khác, cô dạy một hai lần là nhớ thì con chị có khi cả ngày không có chữ nào. Vì vậy, tối đến, chị lại thức cùng con nói chuyện, tìm ra phương pháp hướng dẫn con nhận biết mặt chữ một cách dễ hiểu, đơn giản nhất. Năm học đầu tiên, con không được lên lớp, chị tự động viên hai mẹ con cùng cố gắng. Cứ như vậy, đến nay, dù kết quả học tập của con không cao, nhưng với chị đó là sự đền đáp xứng đáng nhất trong khả năng của con.

4(1).jpg
Chăm sóc trẻ tự kỷ, khiếm khuyết đòi hỏi sự nhẫn nhịn, kiên trì. Ảnh: Chăm sóc học sinh tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Thanh Hằng

Nhờ sự quan tâm, sẵn sàng từ bỏ công việc yêu thích để đồng hành cùng con trong sinh hoạt, học tập, nay con chị L đã bớt sợ khi tiếp xúc với người lạ. Thay vì ai hỏi cũng không trả lời, nay con chị đã biết chào hỏi và sẵn sàng chơi đùa cùng các bạn, các em. “Mình biết con mình hạn chế về nhận thức, nên mình không thể đòi hỏi con phải đạt được thế này, thế kia. Cái mình hướng con đến đó là biết tự chủ trong sinh hoạt, biết chào hỏi, tương tác với mọi người để sau này, khi con gặp vấn đề nào, con cũng biết hỏi để tìm sự trợ giúp”, chị L cho biết.

Mong con biết chăm sóc bản thân

Không may mắn như những mẹ khác, chị L.T.H ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) mới mang thai được gần 7 tháng thì phải mổ bắt con. Lúc lọt lòng, thay vì được ở cùng mẹ như những đứa trẻ khác, thì con chị H phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt. Mất gần cả năm trời, con chị mới được về nhà. Vì sinh non, sức đề kháng yếu, lại chưa phát triển toàn diện, nên con chị thường xuyên đau ốm.

Năm nay đã gần 9 tuổi, nhưng con chị H chỉ như em bé với thân hình nhỏ, không thể tự chăm sóc bản thân, thậm chí đến cả việc vệ sinh đơn giản nhất cũng phải có người hỗ trợ. Nhìn con, chị H xót xa, nhưng cố gắng nuốt nước mắt vào trong để nuôi con từng ngày.

Giờ đây, khi đứa con thứ 2 đã đi học thì đứa con đầu của chị vẫn chỉ đi nhà trẻ. Bởi em không nói chuyện, chỉ ú ớ được mấy từ và không thể hiểu hết được những lời mẹ nói hay thực hiện theo. Gần 9 năm qua, chưa lần nào chị H ngừng lo lắng cho con.

Chị H cho biết: “Ai sinh con ra cũng mong con luôn khỏe mạnh, phát triển bình thường. Nhưng khi không may con bị bệnh, mình phải chấp nhận và cố gắng để hiểu được con, chỉ dạy từng li từng tí. Mỗi ngày, ngoài công việc, thời gian còn lại, tôi dành hết cho con"

Tôi quan sát, theo dõi con về mọi mặt từ lời nói, cử chỉ và chỉ cần con có một chuyển biến dù nhỏ, tôi đều kịp thời nhận ra và khuyến khích, động viên con phát huy”.

Chị L.T.H, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa)

.

1-1-.jpg
Chăm sóc trẻ tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Thanh Hằng

Thương con, nhiều lúc chị H khóc thầm. Chị ước có thể đánh đổi tuổi thọ của mẹ để đổi lấy hạnh phúc cho con, để con vừa lớn về nhận thức, vừa lớn về diện mạo, nhưng đó chỉ là điều xa vời. Bây giờ, ước mơ lớn nhất của chị là mong sao con có thể tự phục vụ được bản thân những việc đơn giản nhất, để dù có đi đâu, làm gì, chị phần nào yên tâm hơn.

Có thể nói, sinh con ra, ai cũng mong con mình khôn lớn, trưởng thành, phát triển toàn diện về mọi mặt. Vậy nhưng, có những trường hợp con không may bị mắc bệnh tự kỷ, câm, điếc... thì con càng lớn, mẹ càng đau đáu nhiều nỗi lo. Những người mẹ có con không may bị những bệnh, dị tật, họ đã phải hy sinh rất nhiều về thời gian, công việc, niềm vui để đồng hành cùng con.

Chưa kể, một bộ phận cộng đồng chưa có những nhìn nhận đúng đắn và sự thấu hiểu, thậm chí có sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với những đứa trẻ bị tự kỷ, khiếm khuyết. Điều này không chỉ làm các em hạn chế tham gia vào các hoạt động xã hội mà những người làm mẹ thêm đau lòng, áp lực bội phần.

sự chấp nhận, chia sẻ, cảm thông của cộng đồng xã hội, gia đình và nhà trường sẽ góp phần giúp những người làm cha, làm mẹ không may có con bị bệnh về nhận thức, hành vi có thêm động lực để tiếp tục đồng hành cùng con trên những chặng đường tiếp theo.

Hoàng Bảo