Tấn công ở miền Tây Mali, 6 binh sỹ thiệt mạng, 9 người bị thương

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 09:48, 11/05/2023

Tại miền Tây Mali đã xảy ra một vụ tấn công hiếm hoi khiến 6 binh sỹ thiệt mạng và 9 người bị thương, quan chức địa phương nhận định thủ phạm là “những phần tử khủng bố.”

Tan cong o mien Tay Mali, 6 binh sy thiet mang, 9 nguoi bi thuong hinh anh 1Binh sỹ Mali tuần tra tại Mopti, Mali. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới chức Mali ngày 10/5 cho biết 6 binh sỹ nước này đã thiệt mạng và 9 người khác bị thương sau một vụ tấn công hiếm hoi xảy ra ở miền Tây Mali.

Cảnh sát Mali thông báo vụ việc xảy ra hôm 8/5 thị trấn Kita, cách thủ đô Bamako 130km, nhưng không nêu rõ bản chất của hành động phục kích hoặc thủ phạm.

Quan chức địa phương đã xác nhận con số thiệt hại và đổ lỗi cho “những phần tử khủng bố” - một thuật ngữ thường được sử dụng ở Mali để chỉ các phiến quân Hồi giáo.

Hiện, chưa có bất kỳ lực lượng nào ở Mali thừa nhận thực hiện vụ tấn công trên.

Nằm ở khu vực Tây Phi, Mali đã phải đối mặt với một cuộc nổi dậy của lực lượng Hồi giáo cực đoan tại miền Bắc đất nước trong suốt thập kỷ qua.

Các lực lượng phiến quân có quan hệ với al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã chiếm một vùng lãnh thổ đáng kể, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa.

Bên cạnh đó, từ năm 2020 đến nay, Mali đã phải đối mặt với hai cuộc chính biến do quân đội thực hiện, khiến tình hình càng thêm phức tạp.

Mali đang chìm trong cơn khủng hoảng an ninh kéo dài gần 11 năm, bắt đầu từ khu vực phía Bắc, sau đó phát triển thành một cuộc nổi dậy thánh chiến toàn diện.

Xung đột đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa, gây ra thiệt hại kinh tế nặng nề cho một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.

Kể từ tháng 8/2020, Mali nằm dưới sự cai trị của quân đội, dẫn đến căng thẳng với đồng minh truyền thống là Pháp. Đồng thời, chính quyền quân sự Bamako xích lại gần hơn trong quan hệ với Nga.

Bạo lực chủ yếu ảnh hưởng đến trung tâm, cũng như phía Đông đất nước, sau đó đã lan sang các nước láng giềng Burkina Faso và Niger.

Làn sóng này cũng diễn ra ở phía Tây và đang lan rộng về phía Nam, gây báo động cho các nước láng giềng khác của Mali, bao gồm cả Senegal./.

(Vietnam+)

(Vietnam+)