Dù chuyện nhỏ vẫn xử sự tinh tế

Học và làm theo Bác Hồ - Ngày đăng : 08:02, 09/03/2016


Tháng 5 - 1946, nhân ngày sinh nhật của Bác Hồ, một số cán bộ, hội viên là văn nghệ sĩ do nhà văn Nguyễn huy Tưởng dẫn đầu, đến nơi ở và làm việc của Bác để chúc thọ.


Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyện trò với các nhà thơ, nhà văn: Tố Hữu (thứ nhất, bên trái), Phan Từ (thứ hai, bên trái), Trầ Đình Văn (thứ nhất, bên phải). Ảnh: Tư liệu


Bác chào anh chị em trong đoàn và mời vào phòng khách, mời ngồi, Bác thản nhiên nói:"

- Anh chị em đến chúc thọ tôi phải không? Cái ông nhà báo nào công bố ngày sinh của tôi thật đáng phạt. Trước hết, tôi chưa thấy cái già là gì, ngoài 50 tuổi chưa gọi là già, chúng tôi đang ở thời kỳ công tác, chưa phải lúc cần đến hình thức lễ nghi như chúc thọ.

Sau đó, lại có mấy đoàn thể cứu quốc cũng đến chúc mừng Bác. Có đoàn của Ủy ban đời sống mới được giới thiệu với Bác, Bác hỏi:

- Đời sống mới có những ai? Chú Tưởng cho tôi biết cuộc vận động thực hiện đời sống mới đến đâu rồi.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và cả đoàn lúng túng, hỏi Bác việc này việc nọ để làm lạc đề câu chuyện.

Chú tâm về xây dựng đời sống mới, Bác Hồ hỏi dồn dập, chăm chú không cho mọi người lảng sang câu chuyện khác.

Bác hỏi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng:

- Chú cho tôi biết cuộc vận động thực hiện đời sống mới đến đâu rồi?

- Dạ thưa Bác, chúng cháu đã bắt đầu bằng sự chia ra các ban nghiên cứu, tổ chức… nhưng công việc chính là định rõ cái hướng cho đời sống mới. Mấy khẩu hiệu: “cần, kiệm, liêm, chính”, chúng cháu xét ra vừa không đủ, vừa cổ…

- Cổ! Bác ngắt lời ngay - lạ quá, thế cơm các cụ ăn ngày xưa, bây giờ mình ăn cũng bị coi là cổ à?

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trả lời câu hỏi của Bác bằng cách nói tiếp câu mà nhà văn đang nói dở:

- Dạ thưa Bác, sau mấy buổi họp, Ủy ban vận động đời sống mới đã định rõ ba nguyên tắc: dân tộc, dân chủ, khoa học.

Bác Hồ như bất ngờ trước những danh từ to lớn của nhà văn, Bác nói:

- Hay lắm, nhưng mình phải xem đồng bào bây giờ cần gì? Ở dân quê đã mấy người hiểu rõ tường tận thế nào là dân chủ, khoa học. Tôi hỏi thật chú, chú đi vận động đời sống mới thì chú làm công việc gì trước?

Lúc đó Bác Hồ lắc đầu nhìn nhà văn, nhìn mọi người, tay rắn rỏi vỗ vào bụng và nói:

- Trước hết là cái này. Có nghĩa là phải ăn đã, chú không ăn gì thì chú đi tuyên truyền được không ?

- Dạ thưa phải ăn và phải làm việc tốt ạ !

- Đúng, phải làm việc, phải siêng năng. Thế là “cần” đấy. Muốn dùng từ ngữ gì rõ hơn cũng được, nhưng điều cốt yếu là khẩu hiệu phải thiết thực. Ví dụ, bây giờ vận động tập thể thao mà lại hô hào đánh ten-nít, thì đã mấy người có tiền để mua quả banh, cây vợt? Ở đây, ngay trước Bắc bộ phủ nhiều anh em cứ ra đường chạy, tập luyện với nhau, không tốn mấy mà vẫn khoẻ, vẫn vui. Phải thiết thực như thế mới được, mà đừng nên tung ra nhiều khẩu hiệu quá, ít mà thực hiện được đến nơi đến chốn thì hơn. Sau nữa, muốn cho việc vận động có kết quả, thì người đi vận động phải làm gì ?

Mọi người nghe Bác nói, người bàn thế này, người bàn thế khác.

Bác chậm rãi nói ngắn gọn một cách nghiêm trang :

- Mình phải làm gương.

Và để mọi người xung quanh khỏi hoài nghi, Bác nhắc lại :

- Mình phải làm gương.

Rõ ràng từ buổi chúc thọ Bác Hồ đã biến thành bổi thảo luận ngắn gọn, vui vẻ chung quanh đề tài “Đời sống mới” do Bác lái vấn đề một cách tinh tế, nhẹ nhàng làm cho mọi người có mặt nhớ đời. Dù việc nhỏ cũng phải suy nghĩ, thiết thực, luôn lo cho dân và gương mẫu với mọi người.