Tấm lòng nhân văn cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ

Học và làm theo Bác Hồ - Ngày đăng : 01:53, 26/07/2016

Tổ quốc ta suốt chiều dài hàng ngàn năm là lịch sử chống giặc ngoại xâm, trong đó ghi dấu công lao của những người con nước Việt đem xương máu bảo vệ độc lập, tự do. Lịch sử đó đã hun đúc nên đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây"... Kế thừa truyền thống ngàn đời của dân tộc, Bác Hồ đúc kết đạo lý đó thành một trong những nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh. Suốt 24 năm trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, Bác đã cùng Chính phủ thế chế hóa tư tưởng đó thành văn bản pháp quy của Nhà nước đối với thương binh, liệt sĩ. Đồng thời, Người là một tấm gương sáng thể hiện tấm lòng biết ơn đối với các thương binh, liệt sĩ.


Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm trường thương binh hỏng mắt ở Hà Nội, Người nói: “Thương binh tàn, nhưng không phế”, ngày 11-2-1956. Ảnh: Tư liệu.

Ngay từ tháng 11-1946, giữa bộn bề công việc, Bác rất quan tâm đến thương binh, gia đình liệt sĩ, Người viết: "Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những liệt sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập, thống nhất của nước nhà - hoặc trong thời kỳ cách mạng, hoặc trong thời kỳ kháng chiến, tôi gửi lời chào thân ái đến các gia đình liệt sĩ và tôi nhận các con liệt sĩ làm con nuôi của tôi".

Người đã cùng Trung ương chỉ đạo thành phố Hà Nội thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam để giúp đỡ thương binh, liệt sĩ. Ngày 17-11-1946, Hội tổ chức lễ "Mùa đông binh sĩ". Tại buổi lễ ra mắt của Hội, Hồ Chí Minh đã tặng chiếc áo rét Người đang mặc, chiếc áo lụa, một tháng lương và đề nghị Chính phủ chọn một ngày để tỏ lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ.

Hội nghị Chính phủ vào tháng 6-1947, tổ chức tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã chọn ngày 27-7 hằng năm làm Ngày thương binh, liệt sĩ. Người viết thư kêu gọi đồng bào giúp đỡ thương binh, liệt sĩ đăng trên báo Vệ Quốc quân số 11 ra ngày 27-7-1947, bức thư có đoạn viết: "Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù? Đó là những chiến sĩ mà nay một số đã thành ra thương binh. Tôi kêu gọi đồng bào phải biết ơn, nhường cơm, sẻ áo giúp đỡ những người con anh dũng ấy".

Kỷ niệm Ngày 27-7 đầu tiên (năm 1947), Bác viết thư căn dặn Ban tổ chức: "Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào... Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy". Ngày 16-1-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tử tuất. Ngày 3-10-1947, Người ký Sắc lệnh thành lập Bộ Thương binh - Cựu binh (tiền thân Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ngày nay) để chuyên trách chăm lo công việc trọng đại này.

Đã gần 70 năm trôi qua, song tình thương yêu, sự cảm thông chia sẻ của Người với những người con thân yêu đã mất một phần thân thể, thậm chí hy sinh cả tính mệnh của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân thì vẫn còn sâu đậm mãi trong lòng mỗi người dân đất Việt.

Trước những hy sinh, mất mát của thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Trong lúc Tổ quốc lâm nguy, đã có rất nhiều những người con quyết đem xương máu của mình hiến dâng cho Tổ quốc, cho đồng bào. Họ quyết hi sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào, hy sinh gia đình và tài sản của họ để bảo vệ gia đình và tài sản của đồng bào. Trong số đó, có người đã bỏ một phần thân thể ở mặt trận, có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là những thương binh, đó là những tử sĩ.

Vậy là, vì nghĩa lớn, bố mẹ đã mất một người con yêu quý. Vợ thơ trở nên bà góa, con dại trở nên mồ côi. Tất cả họ đã vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà chịu ốm yếu què quặt, chịu mất mát, hy sinh. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Để tỏ lòng biết ơn và giúp đỡ những người con anh dũng ấy, đồng bào hãy sẵn lòng giúp đỡ họ về vật chất và về tinh thần với tấm lòng bác ái "cũng không có hạn". Tấm thịnh tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lòng nhân ái của Người đã an ủi linh hồn những người đã khuất, đồng thời làm ấm lòng những con trẻ đã bị mất đi người thân của mình.

Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, khi nhận được tin con trai út của bác sĩ Vũ Đình Tụng (một trí thức công giáo yêu nước) là Vũ Đình Thành, một chiến sĩ tự vệ "Sao Vuông" của Thủ đô đã hy sinh trong khi chiến đấu bảo vệ Hà Nội mùa đông năm 1946, Người đã bày tỏ lòng mình, chia sẻ nỗi đau với một người cha khi mất đi đứa con yêu của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, người thanh niên "Thiên chúa giáo" đó cùng biết bao liệt sĩ khác đã sẵn sàng xả thân mình, góp phần làm cho đất nước ta "nở hoa độc lập, kết quả tự do".

Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi. Vật chất họ mất, nhưng tinh thần họ sẽ luôn luôn còn mãi với non song Việt Nam. Họ không chỉ là con thảo của Đức Chúa, họ còn là người con hiếu của Tổ quốc, vì vậy "đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ". Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cảm động trước tấm gương hy sinh của các liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Chính vì đã sẵn sàng quên mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho độc lập tự do của Tổ quốc, cho lý tưởng cộng sản... đã có biết bao anh hùng liệt sĩ... và hàng vạn đảng viên gương mẫu, "trung với nước, hiếu với dân", khí phách hiên ngang cho đến hơi thở cuối cùng". Chí khí lẫm liệt của các anh hùng, liệt sĩ là tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước học tập, noi theo.

Còn với những thương bệnh binh, những người vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân đã bị thương nơi tiền tuyến, hoặc mất một phần thân thể của mình cho Đất Mẹ vẫn một lòng sẵn sàng xin ra mặt trận, kiên quyết chiến đấu cho độc lập, tự do, Người khẳng định: "Lòng yêu nước, chí kiên quyết của các chiến sĩ thật là đáng quý!... thật xứng đáng với Tổ quốc, và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế".

Ghi nhớ và thực hiện lời dạy của Người, 69 năm qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách với thương binh, liệt sĩ cùng thân nhân của họ. Chính sách thương binh, liệt sĩ đã phát triển thành hai Pháp lệnh: Pháp lệnh quy định danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" và Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng cùng hệ thống cơ chế, chính sách là tiền đề quan trọng để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác "Đền ơn đáp nghĩa".

Hằng năm, Đảng và Nhà nước ta luôn ưu tiên dành hàng chục tỷ đồng trong ngân sách Nhà nước để thực hiện chính sách trợ cấp ưu đãi, chăm lo cho trên 9 triệu người có công, trong đó có trên 1,5 triệu người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; hàng chục nghìn con thương binh, con liệt sỹ được hưởng chế độ ưu đãi về giáo dục đào tạo, chăm sóc y tế, 14.500 cán bộ lão thành cách mạng được hỗ trợ cải thiện nhà ở, 95% đối tượng chính sách đạt được mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của xã hội, 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được phụng dưỡng và chăm sóc chu đáo...

Trong 5 năm qua, cả nước đã đóng góp xây dựng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" được gần 1.500 tỷ đồng, xây mới hơn 55.600 và sửa chữa hơn 39.000 nhà tình nghĩa với kinh phí hàng trăm tỷ đồng... Việc xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công đã trở thành phong trào được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đưa vào kế hoạch phấn đấu của địa phương. Hiện cả nước đã có 98% số xã, phường được công nhận là xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. Cùng với sự sẻ chia của toàn xã hội, các anh chị em thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ khắc sâu lời dạy của Người "tàn nhưng không phế" đã tiếp tục phát huy truyền thống, khả năng của mình, ra sức lao động, phấn đấu vươn lên, xứng đáng là những "công dân kiểu mẫu", những "gia đình cách mạng gương mẫu" như mong muốn của Bác Hồ.

Đặng Công Thành      
Nguồn:  bienphong.com.vn