Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập

Học và làm theo Bác Hồ - Ngày đăng : 10:50, 01/09/2016


Trước đó hai mươi năm, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã có "Bản án chế độ thực dân Pháp". Nhưng lúc đó, Người mới là đại biểu dân thuộc địa. Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của nước Việt Nam là một mốc lớn quan trọng của dân tộc. Bây giờ, chính Người và cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Người sẽ thi hành bản án ấy.



Ngày 27 tháng 8 năm 1945, Thường vụ Trung ương họp. Rồi Hội đồng Chính phủ họp. Bàn nhiều công việc quan trọng, trong đó có việc tổ chức lễ tuyên bố Độc lập vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh phụ trách thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.

Mọi việc chuẩn bị ngày lễ Độc lập đều gấp rút, đều quan trọng. Nhưng gấp rút nhất, quan trọng nhất là dự thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Từ Nam quốc sơn hà thế kỷ 11 đời Lý, Bình Ngô đại cáo thế kỷ thứ 15 đời Lê, đến Tuyên ngôn Độc lập thời đại Hồ Chí Minh thế kỷ thứ 20, khoảng cách dài gần 10 thế kỷ, ngót nghìn năm.

Kể từ ngày thứ ba, 28 tháng 8 năm 1945 ấy, tức là ngày 21 tháng 7 Ất Dậu, Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung vào việc soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập.
Trên gác hai nhà 48 Hàng Ngang, trong một căn phòng rộng mà chủ nhà làm phòng ăn, ở giữa kê một cái bàn dài to, quanh bàn có tám ghế tựa đệm mềm là nơi Bác Hồ thường làm việc với các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng. Cuối phòng, sát tường phía sau, kê một chiếc bàn tròn mà Bác cùng chúng tôi thường ăn sáng. Bác hay ngồi suy nghĩ và đánh máy bên chiếc bàn con kê sát tường góc phía trong. Mặt bàn hình vuông, bọc da xanh màu lá mạ, vừa đủ để tập giấy bút và chiếc máy chữ nhỏ mang từ chiến khu về. Bác trầm ngâm suy nghĩ phác thảo Tuyên ngôn Độc lập.

Nửa đêm hôm ấy, tôi chợt thức giấc, thấy Bác vẫn ngồi chăm chú làm việc. Hà Nội sau một ngày sôi động đang đi vào yên tĩnh. Đêm mùa thu, trên căn gác thoáng rộng, không khí mát lành. Tôi trở dậy, bước thật nhẹ ra phía hành lang, nhìn xuống đường. Ban ngày, phố Hàng Ngang náo nhiệt, chật chội. Giờ đây rộng vắng giữa đêm khuya. Hai đường ray tàu điện chạy thành hai vệt thẳng, đen nhánh. Trước mõi căn nhà dọc phố, cờ đỏ sao vàng sẫm lại trong đêm. Một tốp tự vệ mặc quần soóc, đầu đội mũ calô, đang đi tuần dọc phố, bóng dáng hiên ngang.

Chỉ mới cách đó hơn một tuần, Hà Nội còn là một thành phố bảo hộ, mật thám như rươi, thoáng thấy mầu cờ đỏ là cả bộ máy cai trị của kẻ thù lồng len như thú dữ. Thế mà giờ đây cờ đỏ phấp phới bay khắp phố phường. Đêm ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang ngồi giữa lòng Hà Nội soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập, mở đầu một kỷ nguyên mới cho dân tộc: Kỷ nguyên Độc lập, Tự do. Thật là kỳ diệu. Cách mạng là một sự kỳ diệu. Và chính Người, từ Nguyễn Ái Quốc đến Hồ Chí Minh, đã cùng với toàn dân làm nên điều kỳ diệu đó. Từ buổi nhen nhóm phong trào cách mạng, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ra đời vào năm 1925, do chính Người sáng lập, để năm năm sau, chính đảng đầu tiên của giai cấp Công nhân Việt Nam bước lên vũ đài chính trị.

Chiều ngày 31 tháng 8 năm 1945, Bác bảo đưa cho Bác xem sơ đồ địa điểm tổ chức mít tinh và nhắc Ban tổ chức chú ý cả nơi vệ sinh cho đồng bào, và dặn nếu trời mưa thì kết thúc sớm hơn, tránh cho đồng bào bị mưa ướt, nhất là đối với các cụ già và các cháu nhỏ.

Chiều ngày 2 tháng 9 năm 1945, trên quảng trường Ba Đình, một quang cảnh vừa náo nhiệt, vừa xúc động. Khi Cụ Hồ vừa xuất hiện trước máy phóng thanh, thì cả quảng trường âm vang tiếng hô:

- Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!

- Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!

Và khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang sảng cất tiếng đọc Tuyên ngôn Độc lập thì cả biển người im phăng phắc lắng nghe:

"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc..."

Đọc được một đoạn, Cụ Hồ bỗng dừng lại, đưa cặp mắt âu yếm nhìn toàn thể đồng bào, cất tiếng hỏi:

- Đồng bào nghe rõ tiếng tôi không?

Tiếng đáp lại liền ngay như sấm:

- Có!

Người dân và Chủ tịch nước bỗng trở nên gần gũi và vô cùng thân thiết.

Càng về cuối bản Tuyên ngôn Độc lập, giọng Cụ Hồ càng âm vang, như cuốn hút mọi người.

"Chúng tôi tin rằng các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê-hê-ran và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhân quyền độc lập của dân Việt Nam.

Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!

Vì những lẽ trên, chúng tôi - Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng Tự do, Độc lập và sự thật đã trở thành một nước Tự do, Độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền Tự do, Độc lập ấy!"

Cùng với ngày 2 tháng 9 năm 1945, bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào, là một mốc son chói lọi trên con đường dài đấu tranh dựng nước và giữ nước suốt mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam.

Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của nước Việt Nam cũng là một mốc lớn quan trọng của dân tộc. Đó thực sự là lời tuyên bố đanh thép về sự cáo chung của chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức. Đồng thời nó cũng báo hiệu sự mở đầu của một thời đại mới, thời đại trỗi dậy của các dân tộc nhược tiểu đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. Trước đó hai mươi năm, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã có "Bản án chế độ thực dân Pháp". Nhưng lúc đó, Người mới là đại biểu dân thuộc địa. Bây giờ, chính Người và cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Người sẽ thi hành bản án ấy. Và như chúng ta đã biết, bản án đã được thực hiện bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu chín năm sau đó.