Bác Hồ - Một cuộc đời vì nhân dân

Học và làm theo Bác Hồ - Ngày đăng : 09:56, 08/09/2016


… “Nếu đồng chí muốn đi theo Hồ Chủ tịch lên K thì ngày mai, 5 giờ sáng, đề nghị đồng chí đợi chúng tôi ở ngã ba T.Đ trên đường đi Tuyên Quang”.



Tôi hết sức sung sướng và cảm động khi nhận được những dòng thông báo trên đây, do Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao gửi cho. Thế là một trong những mong ước lớn nhất của tôi sắp trở thành hiện thực. Tính từ ngày đặt chân tới Việt Nam đã hai tháng rồi còn gì! Dịp ấy, tôi được cử dẫn đầu một đoàn cán bộ Cộng hoà Dân chủ Đức gồm 5 nhà văn, nhà báo và nhà điện ảnh sang thăm đất nước các đồng chí từ tháng 11 năm 1954 đến tháng giêng năm 1955. Các bạn điện ảnh đang quyết tâm hoàn thành hai bộ phim tài liệu quý về đất nước và con người Việt Nam; còn tôi, tôi cũng phải mang về nước những gì có ích cho nhân dân ở nhà. Tôi ao ước có ngày được gặp Bác Hồ, vị lãnh tụ vô cùng kính yêu của nhân dân Việt Nam, và sẽ viết một bài về Người.

Sáng ấy, tôi dậy rất sớm, cẩn thận cất vào túi mảnh giấy có dòng thông báo quan trọng về việc đi gặp Bác Hồ và vội vã lên đường. Tại ngã ba T.Đ, tôi nhập vào đoàn xe như đã hẹn. Khi đoàn xe dừng lại trước bờ sông thì mặt trời đã nhô ra khỏi rặng tre, đỏ lựng. Tôi nhìn thấy những chiếc thuyền nan đang chờ khách tới. Tôi cùng mọi người xuống thuyền. Trong số đó có một ông cụ mặt bịt kín bằng chiếc khăn len, chỉ chừa hai mắt để nhìn. Ông cụ ngồi khuất trong một góc kín, đã bỏ chiếc khăn len ra khỏi mặt. Người phụ nữ lái thuyền và tôi cùng nhận ra ngay: Đó là Hồ Chủ tịch. Tôi thật xúc động, muốn bước tới chào Người, nhưng vì nguyên tắc bí mật, tôi chỉ ngồi im. Lần đầu tiên tôi được gặp Bác Hồ trong trường hợp như vậy đấy!

Khi đoàn xe tạm nghỉ để ăn sáng, tôi mới dám đến gần Người. Bác Hồ mỉm cười chào tôi bằng tiếng Đức: "Mời đồng chí ngồi xuống đây!". Các đồng chí khác cũng quây quần bên Người. Bữa ăn sáng thật đơn giản: Cơm nắm với một ít trứng và cá nướng. Tôi cũng lấy thức ăn mang theo, nhưng Bác Hồ bảo ăn cùng với Người.

Thoạt tiên, Bác Hồ nói chuyện với tôi bằng tiếng Pháp. Dần dần, như nhớ lại được nhiều từ hơn, Người nói bằng tiếng Đức. Giữa một vùng quê Việt Nam hùng vĩ, được nghe Người, nhà cách mạng vĩ đại của Việt Nam, nói tiếng nói của dân tộc chúng tôi, tôi không khỏi xúc động. Và trong giây phút ấy, tôi thoáng nghĩ về quê hương, nơi hàng chục năm về trước Bác Hồ đã đặt chân tới. Người nhắc đến Vinhem Pích, vị Chủ tịch đầu tiên của Cộng hoà Dân chủ Đức, với một tình cảm đằm thắm. Người đưa mắt nhìn ra xa, rồi quay lại nói với tôi: “Phong trào công nhân Đức là cả một lực lượng mạnh!”.

 Bác Hồ chợt quay lại phía tôi, cười hiền hậu: “Ở Béclin, bia “bốc” còn ngon như trước không?”. Tôi phải bật cười và không khỏi ngạc nhiên, bởi vì, sau mấy chục năm trời, Bác Hồ vẫn còn nhớ đến loại bia mạnh có tiếng bên Đức. Người cho biết, khi ở Béclin, Người thường đến ăn tại tiệm “Asinhngo”, một tiệm ăn rẻ tiền. Thỉnh thoảng Người có mua một cốc bia “bốc” để uống.

Tôi lặng lẽ nhìn gương mặt Bác. Đó là gương mặt của một người cha suốt đời chịu đựng hy sinh để mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân mình. Người nói như tâm sự: “Tôi ít khi được ngồi nghỉ ngơi như thế này. Đồng chí bác sĩ của tôi khuyên thỉnh thoảng nên nghỉ một chút và quả làm như vậy tốt hơn”.
Buổi chiều, Hồ Chủ tịch cho chúng tôi dừng lại ở một làng quê ven sông Hồng. Chúng tôi theo Người bước trên con đường trải nhựa, chạy ngoằn ngoèo trong xóm, lẫn trong bóng mát của những rặng chuối tiêu. Người đến thăm các gia đình trong làng. Hệt như một người cha đi vắng lâu ngày nay về thăm các con vậy. Điều gì Người cũng muốn biết: Lúa cấy ra sao, sức kéo có đủ không? Bao nhiêu cháu học cấp 1, cấp 2, v.v.. Người cũng không ngần ngại lắng nghe cả những phân trần của bà con trong việc phân chia ruộng đất, trâu cày. Đó là những lời nói thật thà, cởi mở. Còn có thể tin ai hơn “Cha Hồ” - Người suốt đời chăm lo lợi ích của nông dân, công nhân, luôn luôn chia sẻ niềm vui, nỗi khổ của họ? Nhưng cái chính là họ đều thưa với vị Chủ tịch của mình về những đổi mới tốt đẹp. Họ khoe với Người về căn nhà tranh mới xây, về bát cơm đầy, về tấm áo lành lặn. Và Bác Hồ, người cha hiền từ của họ đã mỉm cười hài lòng. Người cầm tay họ, ân cần khuyên bảo điều này, điều nọ. Không ít người đã khóc vì vui sướng, xúc động.

Xe chúng tôi đã đi được một chặng đường rồi, nhưng chúng tôi vẫn còn triền miên trong ý nghĩ về cái làng Việt Nam với những con người chân chất, hồn hậu ấy. Và tôi lại càng nghĩ nhiều đến Bác Hồ, người đã, đang và sẽ không ngừng mong cho họ một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn…


  Nhà báo Đức
PHRANXƠ PHABE
(Lược trích theo sáchNgười là Hồ Chí Minh, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 1995).