“Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh…”
Học và làm theo Bác Hồ - Ngày đăng : 03:14, 12/09/2016
"Bác sống như trời đất của ta/Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa/Tự do cho mỗi đời nô lệ/ Sữa để em thơ, lụa tặng già" (Bác ơi - Tố Hữu).
Bác Hồ trò chuyện với các cháu thiếu nhi. Ảnh tư liệu. |
Tình cảm Bác bao la, sâu thẳm, đến với từng số phận, sưởi ấm mọi tâm hồn. Cả cuộc đời Bác đã dành trọn cho dân, cho nước, cho những người cần lao khổ nhọc, đặc biệt là thiếu niên, nhi đồng, không chỉ riêng ở Việt Nam, mà cho trẻ em trên khắp thế giới.
Trên con đường cứu nước, ngay từ buổi ban đầu, Bác đã đến với công việc giáo dục thế hệ trẻ - Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết, Bình Thuận). Sau này, trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước trên khắp thế giới, đến đâu Bác cũng quan tâm xem cuộc sống trẻ em nơi đó thế nào.
Khi trở về nước lãnh đạo cách mạng đánh đuổi thực dân phong kiến, giành độc lập, tự do cho dân tộc, gian khổ trăm bề nhưng Bác vẫn luôn quan tâm đến thiếu niên, nhi đồng. Bác căm phẫn trước tội ác của bọn thực dân cướp nước đối với trẻ em. Bác vô cùng thương xót tình cảnh khốn khổ của các cháu bé dưới ách thống trị của kẻ thù.
Đồng thời, Bác tin tưởng và khuyến khích các cháu noi gương cha anh đấu tranh cứu nước: "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình". Bác động viên các cháu ra sức học tập, tham gia kháng chiến, lao động sản xuất, để trở thành "công dân tốt, cán bộ tốt".
Ngoài việc nhắc nhở các đồng chí cán bộ quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện để các cháu được ăn no, mặc ấm, được học hành, Bác còn làm thơ chúc Tết, gửi thư động viên, khen ngợi khi các cháu lập được thành tích.
Ngày 21/9/1941, Bác Hồ làm bài thơ "Trẻ con" kêu gọi thiếu nhi góp sức vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Với Bác, "Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan". Rồi Bác chỉ ra vì sao trẻ em lại phải mất nhà cửa, lìa xa cha mẹ: "Vì giặc Nhật với giặc Tây bạo tàn!/ Khiến ta nước mất, nhà tan/ Trẻ em cũng phải cơ hàn xót xa". Bác kêu gọi: "Vậy nên con trẻ nước ta/ Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh". Và Bác gởi niềm tin đến các em: "Bao giờ đuổi hết Nhật Tây/ Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng".
Những dịp Tết Trung Thu, trong kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ thường có thư cho các cháu nhi đồng. Năm 1951, Bác Hồ sống ở Chiến khu Việt Bắc, viết 4 câu thơ gởi trẻ em cả nước: "Trung Thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/ Sau đây Bác viết mấy dòng/ Gởi cho các cháu tỏ lòng nhớ thương".
Trung Thu năm 1952, Bác Hồ hỏi: "Ai yêu các nhi đồng/Bằng Bác Hồ Chí Minh?".
Trung Thu năm 1953, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp gần đến ngày thắng lợi, nhưng còn trải qua rất nhiều gian khổ, Bác Hồ viết: "Thư này Bác gửi thư chung/ Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa".
Bác còn tranh thủ thời gian tận tay chăm sóc các cháu. Ông Dương Đại Lâm, người bảo vệ Bác kể, cuối năm 1944, hơn một năm xa Tổ quốc, trải qua 30 nhà tù của Tưởng Giới Thạch, gần khắp Quảng Tây, Bác trở về Pắc Bó. Nhìn thấy việc giữ gìn vệ sinh và nơi ở chưa được dân ở đây chú ý, Bác Hồ bảo mọi người cùng Bác bắt tay dọn dẹp.
Một buổi sáng, Bác bảo các cháu xếp hàng đi ra phía khe nước. Bác tự tay cởi quần áo cho các cháu bé, lần lượt tắm rửa, kỳ cọ cho từng cháu. Chúng vừa tắm, vừa đùa, nước bắn cả vào mặt Bác. Tắm gội xong, Bác còn thoa thuốc cho các cháu. Thuốc xót, thấy cháu kêu, Bác Hồ dỗ dành ngọt ngào: Không sao, chỉ một lát là hết xót thôi cháu ạ. Thấy các cháu mặc quần áo bẩn và rách, Bác không vui: Các cháu này con cô chú nào đây? Lấy quần áo sạch thay cho trẻ, còn quần áo bẩn mang đi giặt, chỗ nào rách thì khâu lại.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể, tháng 8/1945, Ủy ban Cách mạng họp ở đình Tân Trào, có hai, ba em nhỏ chừng ba, bốn tuổi trong xóm ra chơi trước đình. Các em đều xanh, gầy, bụng ỏng, đít beo, lại trần truồng lấm lem, đi chân đất. Bác Hồ trông thấy rất thương, xúc động, chỉ các cháu nói với đại biểu đến dự Đại hội Tân Trào: "Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao cho các cháu được ăn no, có quần áo mặc".
Sau ngày hòa bình lập lại, hầu như Tết nào Bác Hồ cũng đón các cháu vào ăn Tết với Bác ở Phủ Chủ tịch, và thay vào những câu thơ là những chiếc kẹo, những bông hoa tươi thắm.
Suốt cuộc đời Bác tận tụy vì dân, vì nước, không một phút nghỉ ngơi. Trước lúc đi xa, Bác còn để lại "muôn vàn tình thân yêu" cho thiếu niên, nhi đồng. Kể sao cho hết tình cảm Bác Hồ dành cho thiếu niên, nhi đồng. Người căn dặn: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết".
Thực hiện lời dặn dò của Bác trước lúc đi xa, Đảng ta đang cố gắng dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em - những người chủ tương lai của đất nước. Và, ngày Quốc tế thiếu nhi, Tháng hành động vì trẻ em là bức thông điệp, là lời nhắc nhở mọi người hãy cùng chung tay bảo vệ và chăm sóc trẻ em ngày càng tốt hơn./.
Huỳnh Châu (Nguồn: Báo Cà Mau)