Được vẽ và nặn tượng Bác
Học và làm theo Bác Hồ - Ngày đăng : 02:28, 15/09/2016
Từ cách mạng đến nay, tôi may mắn được gặp Bác nhiều lần, lần nào cũng để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Tôi chỉ xin kể lại một vài mẩu chuyện nhỏ:
Năm 1958, chúng tôi xin được gặp Bác để vẽ và nặn tượng Bác. Mãi chúng tôi mới được tin lên chỗ Bác ở. Hôm ấy quả là một ngày vui đáng ghi nhớ. Cùng đi với chúng tôi có anh Diệp Minh Châu, anh Trần Văn Lắm và một nhà điêu khắc người Đức. Từ một đất nước xa xôi sang, anh bạn đồng nghiệp của chúng tôi chỉ mong mỏi được gặp và trực tiếp nặn tượng Bác.
Được toại nguyện, anh bạn người Đức và cả chúng tôi xiết bao mừng rỡ. Có điều hôm đầu, Bác ngồi thấp mà anh bạn của chúng ta vừa cao lớn vừa đứng nặn theo tư thế và công việc của một nhà điêu khắc. Vì vậy, anh bạn luôn phải khom người. Sau buổi hôm đó, chúng tôi nghĩ ra một cách để giải quyết cái khó khăn nghề nghiệp của anh bạn.
Chúng tôi mang bục gỗ và đặt bàn làm việc của Bác lên đấy. Ngắm nghía thấy vừa tầm nặn, chúng tôi thích thú lắm, nhất là anh bạn người Đức.
Sáng hôm sau, chúng tôi đến thật sớm nhưng khi bước vào, chúng tôi thấy Bác đã ở đấy rồi. Một chân Bác đứng dưới đất, còn chân kia đặt lên bục. Vừa trông thấy chúng tôi Bác đã vui vẻ hỏi: Các chú có biết ngày xưa người ta xưng với vua như thế nào không? Bị hỏi bất ngờ, chúng tôi bỗng nhiên lúng túng nhìn nhau, nhưng rồi cũng mạnh dạn trả lời: Thưa Bác, người ta xưng là “tâu bệ hạ” ạ!
Bác bèn trỏ vào cái bục, châm biếm: Thế các chú muốn Bác làm vua hay sao mà lại mang cái bệ này đến? Biết Bác đùa, chúng tôi ai nấy đều im, Bác lại nói tiếp: Các chú nên nhớ rằng Bác làm Chủ tịch, Chủ tịch cũng là đầy tớ của nhân dân, phải phục vụ nhân dân vô điều kiện.
Chúng tôi đang lo Bác không lên bục, ngồi vào bàn làm việc. Nhưng đoán được tâm trạng đó, Bác vui vẻ bảo: Nói thế thôi chứ bây giờ Bác cũng “thượng bệ” cho các chú vui lòng...
Đúng là Bác Hồ kính yêu của chúng ta lúc nào cũng thanh thản, ung dung. Vẽ và nặn tượng Bác cho được cái thần thái ấy quả không phải dễ. Cho đến nay chúng tôi cảm thấy tranh mình chưa thể hiện và lột tả được hết những nét riêng đáng quý đó của Bác, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Lúc Bác còn sống, Bác thường đến thăm các cuộc triển lãm nghệ thuật. Lúc không đi được thì Bác có thư. Thư Bác gửi cho giới họa sĩ chúng tôi năm 1951 là một văn kiện lịch sử quan trọng, là kim chỉ nam hành động quý báu và thiết thực cho giới chúng tôi nói riêng, cho ngành văn nghệ nói chung, vì đến nay mỗi khi đọc lại bức thư ấy, chúng tôi càng thấy đúng và trong sáng, vẫn thấy phải cố gắng rất nhiều nữa mới mong có thể đạt được phần nào lời khuyên dạy của Người.
Năm 1963, Bác có đến thăm triển lãm nghệ thuật tạo hình trưng bày ở phố Tràng Tiền. Sau khi xem, Bác có nhận xét: Các chú làm việc tốt đấy. Tranh, tượng thế là có tình người. Sau đó, Bác hỏi chúng tôi về phong trào mỹ thuật, về đội ngũ sáng tác mỹ thuật (có bao nhiêu nữ, bao nhiêu anh chị em người dân tộc, bao nhiêu anh chị em trẻ), rồi Bác bảo: Các chú là lớp người đi trước, nên dìu dắt anh chị em lớp trẻ, có kinh nghiệm gì thì phải tận tình bày vẽ cho anh chị em. Nhưng cũng phải cẩn thận, chú ý đừng để mất khiếu sáng tạo của họ.
Xem tranh sơn mài, Bác khuyên chúng tôi nên nghiên cứu sao cho chất liệu này giữ được bền hơn nữa. Về nghệ thuật khảm trai, Bác cũng có ý kiến: Các chú cần cố gắng duy trì loại này. Nó quý lắm. Nó là cái vốn nghệ thuật cổ truyền của cha ông ta xưa, phải phát triển nó lên.
Trước khi rời khỏi phòng triển lãm, Bác nhắc nhở chúng tôi phải cố gắng làm tốt hơn, phải đem nghệ thuật phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Lời khuyên dạy của Bác thật là đầm ấm, mãi mãi còn in sâu trong lòng chúng ta. Chúng ta nguyện suốt đời ghi nhớ và làm theo lời dạy bảo của Người để xứng đáng với Người, với công ơn và sự quan tâm to lớn của Người.
Hoạ sĩ Trần Văn Cẩn
(Lược trích theo sách “Bác Hồ với văn nghệ sĩ”, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1995)