Tấm lòng rộng mở của Bác Hồ

Học và làm theo Bác Hồ - Ngày đăng : 09:16, 22/09/2016


Sau Tổng khởi nghĩa, Bác Hồ từ Tân Trào về đến Hà Nội ngày 25-8-1945, Thường vụ Trung ương bàn và anh Võ Nguyên Giáp báo cáo với Bác, đã đổi tên ủy ban Dân tộc giải phóng được bầu ở Tân Trào là Ủy ban lâm thời Cách mạng. Bác bảo:



- Cách mạng hay không là ở việc làm, chứ đâu phải ở cái tên. Bao giờ thì cho công bố?

- Thưa, còn để đợi Bác duyệt.

Xem xong danh sách các thành viên ủy ban, Bác mỉm cười:

- Mình được bầu làm Chủ tịch à?

- Các vị trong Chính phủ đều nhất trí bầu Bác.

- Thưa Bác, như thế là trong Chính phủ lâm thời có thêm mấy nhân sĩ trí thức, còn cán bộ của ta thì rút ra hai đồng chí.
Bác gật đầu:

- Làm như thế là đúng. Đến lúc chính thức còn phải mở rộng thêm nhiều nữa. Nhân tài trong nước không chỉ có từng này người.

Anh Giáp còn báo cáo với Bác đã mời thêm được một số anh em trí thức ra làm việc, trong số đó có các anh: Hoàng Minh Giám, Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Lưu, Tạ Quang Bửu. Bác khen:

- Các chú về trước tôi có mấy ngày mà đã làm được nhiều việc.

Về anh Hoàng Minh Giám thì Bác đã biết là con cụ Hoàng Tăng Bí, một trong những người sáng lập Đông kinh nghĩa thục. Anh là một thanh niên có tinh thần yêu nước, thường phát biểu chính kiến của mình trên báo nên bị bọn thực dân đẩy sang Cao Miên (Cam-pu-chia) dạy học. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, anh bỏ về Sài Gòn viết báo và dạy học tư, rồi ra Hà Nội dạy trường Thăng Long. Lúc đầu, Bác định giao cho anh làm Chủ tịch ủy ban lâm thời Bắc Bộ, nhưng sau chuyển lên làm Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ. Chức Chủ tịch ủy ban lâm thời Bắc Bộ giao cho anh Nguyễn Xiển. Anh Nguyễn Xiển và anh Tạ Quang Bửu đều học ở Pháp về, và đều là những nhà khoa học có tiếng tăm, nhất là anh Bửu. Anh Bửu được giới khoa học bên Pháp đánh giá là một nhà toán học lỗi lạc. Anh còn là nhà vật lý, và đã tốt nghiệp trường ốc-xpho ở Anh. Một nhà khoa học tầm cỡ như thế mà về nước chỉ được Chính phủ thực dân cho làm một chân cán bộ kỹ thuật quèn của Sở Nông lâm Trung Bộ. Sau đảo chính Nhật, anh tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim, vì tưởng Kim là người yêu nước chân chính. Anh vẫn mặc cảm về chuyện này. Nhưng chỉ một lần được gặp Bác là mặc cảm ấy tiêu tan. Hôm anh ở chỗ Bác về đến nhà, bạn bè kéo nhau đến thăm, hỏi anh về Bác Hồ mà họ đoán là Nguyễn ái Quốc, một lãnh tụ cộng sản nổi tiếng. Một người hỏi:

- Thế cụ Hồ Chí Minh có đúng là Nguyễn ái Quốc không?

- Moa không dám hỏi, - anh đáp, - nhưng chắc là đúng.

- Ông Cụ có tuyên truyền toa về chủ nghĩa cộng sản không?

- Không. Trong suốt buổi nói chuyện chỉ thấy Ông Cụ tỏ ý lo lắng cho vận mệnh nước nhà, và đặc biệt quan tâm đời sống của đồng bào. Ông cụ thương người lắm - ngừng một lát anh nói thêm - Kể cũng lạ, ông cụ rời nước ra đi từ lúc còn ít tuổi, mấy chục năm trời bôn ba hết đó đây, thế mà không quên một lời ăn tiếng nói nào của dân gian. Cách nói lại nôm na, dễ hiểu, thái độ thì ân cần, ưu ái như cha nói với con. Thật là một con người siêu phàm. May mắn cho nước Nam ta có một lãnh tụ như Cụ Hồ Chí Minh.

Lòng nhân ái của Bác Hồ không chỉ dành riêng cho giới trí thức, mà còn cho cả mọi người. Khi anh Lê Văn Hiến được cử vào Nam công tác, Bác dặn qua Huế thì đến thăm bà Thành Thái, bà Duy Tân, và nói với ủy ban lâm thời Trung Bộ chu cấp cho mỗi bà năm trăm đồng một tháng, vì nghe nói các bà sống thiếu thốn lắm. Hai bà này, từ khi vua Thành Thái và vua Duy Tân bị thực dân bắt đày đi châu Phi, vẫn ở nhà gõ mõ tụng kinh thờ Phật. Bà Thành Thái làm một bài thơ khóc chồng con nổi tiếng, có những câu thống thiết:

Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự

Đầy vơi hạt lệ nước sông Hương

Khi hai bà được anh Lê Văn Hiến chuyển lời thăm hỏi của Bác Hồ và ủy ban lâm thời Trung Bộ trao tiền trợ cấp, cả hai mẹ con đều xúc động, khóc nức nở. Từ đây bà Thành Thái đổi câu khấn hàng ngày: "Hoàng triều vạn vạn tuế", ra: "Hồ Chủ tịch vạn vạn tuế".

Về tấm lòng khoan dung, độ lượng của Bác đối với các quan lại cũ, tôi cũng có một kỷ niệm riêng. Sau ngày khởi nghĩa, tôi làm Chủ tịch ủy ban lâm thời tỉnh Hưng Yên. Trong tỉnh có một viên tuần phủ bị bắt về tội viết sách chống cộng để nói xấu cộng sản và xuyên tạc Liên Xô (trước đây). Cuốn sách đã được bọn thống trị Pháp phát không về cho các làng, và lão thì được thăng quan tiến chức. Cách mạng lên, lão "từ quan" về ở thị xã Hưng Yên, trong một ngôi biệt thự lộng lẫy bên hồ bán nguyệt.

Một hôm, vào giữa tháng chín, tôi nhận được công văn của Bộ Nội vụ lệnh tha cho lão. Việc chúng tôi bắt viên tuần phủ ấy cả tỉnh đều biết, bây giờ phải tha lão thì biết ăn nói thế nào với nhân dân? Sau khi trao đổi với anh em, tôi phóng xe lên Bắc Bộ phủ. Thật bất ngờ và vinh dự, tôi được gặp Bác Hồ. Bác chỉ ghế bảo tôi ngồi rồi hỏi ngay:

- Đồng chí cho bắt người ta có lợi gì không?

Lần đầu được gặp riêng Bác, tôi rất lúng túng trong việc xưng hô. Tôi thưa:
- Thưa Chủ tịch, vì nó đã viết sách chửi cộng sản.

- Biết rồi. Nhưng việc đã lâu ngày, bắt người ta bây giờ có lợi gì không?
- Thưa Chủ tịch, để nó phải... phải sợ.

Tôi biết lỡ lời, định chữa lại, nhưng Bác đã hỏi:

- Thế đồng chí có biết làm cho người ta sợ hơn, hay làm cho người ta yêu hơn? Đồng chí có học chữ Nho không?
- Thưa, có học ít thôi ạ.

- Thế đồng chí có nhớ câu các cụ thường nói: "Xử nhân uý bất như xử nhân cứ" không?
Thấy tôi lúng túng, Bác tiếp:

- Đồng chí nên nhớ rằng không sợ người không theo mình, mà chỉ sợ lòng mình không rộng thôi, đồng chí về bàn với ủy ban giải thích cho người ta hiểu chính sách khoan hồng của Chính phủ, rồi tha người ta.
Lòng thương người của Bác Hồ thật rộng như trời biển.