Suốt đời không quên lời dạy của Bác

Học và làm theo Bác Hồ - Ngày đăng : 03:38, 02/11/2016


Gia đình bác Phan Huy Nhật, công nhân nhà máy nước Đồn Thủy (Hà Nội), vừa ăn xong bữa cơm cuối cùng của năm Quý Mão thì một đồng chí trong Đảng ủy nhà máy đến báo cho biết: Tối nay có cán bộ ở trên đến chúc tết gia đình bác. Vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, cả nhà liền mỗi người một tay dọn dẹp bát đũa, sắp xếp lại bàn ghế giường chiếu cho gọn gàng để chuẩn bị đón khách.



Có tiếng còi ô tô, rồi một chiếc, hai chiếc, ba chiếc… nối đuôi nhau tiến vào cổng nhà máy. Chiếc ô tô đi đầu dừng lại trước cửa nhà bác. Một người bước ra, đầu tóc bạc phơ.

- Trời ơi! Bác Hồ!

Bác Nhật chỉ kịp reo lên mấy tiếng thì cổ bỗng nhiên nghẹn lại, tim cứ đập dồn dập, tay chân trở nên lúng túng lạ thường. Nỗi vui sướng đột ngột đã làm cho bác Nhật mất cả tự nhiên. Bác cứ đứng đờ ra nhìn từ đầu đến chân vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của mình.

Hồ Chủ tịch đi thẳng vào nhà nhìn quanh một lượt. Bác Nhật gái đang ru cháu bé trong giường liền vội vã tung chăn vùng dậy. Hồ Chủ tịch liền ngăn lại:

- Không được, cứ nằm với cháu cho cháu nó ngủ yên.

Đoạn Hồ Chủ tịch quay sang hỏi bác Nhật:

- Chú có mấy cháu, sống ra làm sao?

- Dạ thưa Bác, cháu có 5 đứa, đứa lớn đi bộ đội còn 4 đứa ở nhà.

Hồ Chủ tịch lấy kẹo phân phát cho từng cháu.

Bên ngoài anh em công nhân kéo đến rất đông, chen nhau vào đứng trước để được nhìn rõ Hồ Chủ tịch.

Sau khi hỏi thăm sức khỏe từng người. Hồ Chủ tịch ân cần căn dặn gia đình phải giữ vệ sinh, nhà cửa phải gọn gàng ngăn nắp, phải đoàn kết thương yêu nhau, đoàn kết trong nhà với nhau, đoàn kết với bà con chung quanh, với đồng chí, đồng nghiệp, phải ra sức sản xuất tốt và phải hết sức tiết kiệm. Bác Nhật chăm chú nghe như uống từng lời, nước mắt bác cứ chảy ràn rụa không tài nào ngăn được. Hồ Chủ tịch vừa nói chậm rãi vừa xoa đầu đứa cháu bé nhất. Cử chỉ gần gũi giản dị đó càng làm tăng cái mênh mông vĩ đại của Người. Nhiều người đứng ngoài cửa cũng đỏ hoe cả mắt.

Vì bận phải đi thăm những nơi khác nữa nên Hồ Chủ tịch bắt tay bác Nhật, chúc cả nhà “năm mới tiến bộ mới”, chào bà con tập trung trước sân rồi lên xe. Chiếc xe chuyển bánh, kéo luôn cả dòng người theo ra đến đường cái, bác Nhật gái cũng tung chăn vùng dậy. Chiếc xe nổ máy chạy nhanh, mọi  người dừng lại nhìn theo cho đến khi chiếc xe mất hút sau hàng phố.

Đêm giao thừa năm ấy, bác Nhật không tài nào ngủ được. Cùng với tiếng pháo mừng xuân mới, trong lòng bác cũng như có muôn ngàn tiếng trống đang dóng lên.

Quên sao được những ngày của năm 37, 38, gia đình bác (bác, một người chị, một người em và một ông bố), vì quá đói, không ai giúp đỡ được ai nên phải mỗi người đi mỗi ngả kiếm ăn để rồi chết lần ở bên lề đường xó chợ, chỉ còn sót lại một mình bác. Quên sao được những hôm đi ngang phố Hàng Đào - phố còn nhiều nhà tư sản thương nghiệp - nhà nào cũng cho người ra xua đuổi chỉ vì áo quần bác quá rách rưới. Càng nghĩ, bác Nhật càng thấy xót xa căm giận.

Bốn mươi năm sống dưới chế độ cũ - một quãng đời dài của bác chỉ có đói rách và tủi nhục - làm gì có nhà ở, có cơm no áo ấm, có tết nhất, có vị lãnh đạo tối cao của cả nước đến thăm như thế này.

Trưa hôm đó và ngày hôm sau, Đài và các báo đưa tin Hồ Chủ tịch đến chúc tết gia đình bác. Nhiều bà con quen biết có cả những người ở quê lên tìm đến nhà bác để chia vui. Anh con đầu đi bộ đội ở Thái Nguyên nghe tin cũng xin phép về thăm gia đình.

Trong lúc hàn huyên, bác Nhật đã kể lại câu chuyện gặp Hồ Chủ tịch bên Pháp. Năm 1937 bác đi làm phu khuân vác cho một chiếc tàu nước ngoài và sau đó bị bắt sung vào trong đoàn 13 vạn phu sang Pháp. Chính sách bóc lột của bọn tư bản đã làm cho đời sống anh em ngày càng điêu đứng. Bỗng một ngày vào mùa xuân năm 1946, anh em được tin có một phái đoàn Chính phủ ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu sẽ sang đàm phán với Chính phủ Pháp. Một tia hy vọng lóe sáng trong màn đêm cuộc đời của những người lao động tha phương cầu thực.

Thế rồi Hồ Chủ tịch và phái đoàn Chính phủ ta sang thật. Lại có một tin vui vô bờ bến, ngoài sự mơ tưởng của anh em là Hồ Chủ tịch sẽ đến thăm trại Các-tây-dắc, nơi anh em làm việc. Như cây sắp héo gặp mưa, anh em thấy mình khỏe mạnh hẳn lên. Chia nhau trang trí cổng trại, cắm cờ suốt dọc từ ga đến trại, anh em đã chuẩn bị đón tiếp vị lãnh tụ của giai cấp, của dân tộc với cả tấm lòng của những người vô sản xa đất nước lâu ngày.
Đúng ngày hẹn. Người đã đến. Thái độ cử chỉ của Người đã chinh phục được trái tim anh em ngay từ đầu. Sau khi hứa là sẽ đặt vấn đề với Chính phủ Pháp tạo điều kiện cho anh em về nước. Người dặn trong khi còn ở đây, anh em phải tổ chức nhau lại, đoàn kết đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, mỗi người phải học cho được một nghề để khi về góp phần xây dựng đất nước (hầu hết anh em ở đây là phu khuân vác, làm công việc lao động giản đơn).

Bác Nhật ghi lòng tạc dạ những điều căn dặn ân cần đó. Bác đã tranh thủ mọi lúc để học nghề nguội. Nhờ đó mà đến khi về, bác đã vào làm được ở nhà máy nước ngay.

Từ ngày Bác đến thăm, trong lòng người công nhân nói ít làm nhiều ấy luôn luôn tâm tâm niệm 4 điều: Giữ vệ sinh, bảo đảm đoàn kết, sản xuất tốt, chú ý tiết kiệm. Bác từng nói là từ khi Hồ Chủ tịch đến thăm, trong sản xuất, trong sinh hoạt bác thấy khó khăn ít đi mà thuận lợi lại nhiều ra, năng suất lao động ngày càng tăng. Trước tình hình mới, đội tự vệ của nhà máy đã phải tập luyện nhiều, bác liền xung phong đảm nhiệm phần việc của anh em tự vệ trong tổ khi anh em đi tập để anh em yên tâm và khỏi phải làm bù. Cái sáng kiến đề nghị đóng van ở phía trường Đại học Tổng hợp để nước khỏi chảy về phía này, đảm bảo cho nhà máy hoạt động được nhiều giờ và tăng số lượng nước cho Thủ đô đã được ban Giám đốc nhà máy khen thưởng. Trong dịp tổng kết cuối năm, bác đã được toàn nhà máy nhất trí bầu là chiến sĩ thi đua.


Trường Giang

(Theo lời kể của bác Phan Huy Nhật công nhân Nhà máy nước Đồn Thủy, Hà Nội)
Chúng ta có Bác Hồ (NXB Lao Động, Hà Nội, 2001)