Những “anh nuôi” trên tàu 571
Để bảo đảm các suất ăn cho đại biểu trên tàu, cán bộ, chiến sĩ tàu 571 (thuộc Lữ đoàn 995) đã phân công nhiệm vụ cụ thể, làm việc từ 2h30 sáng cho tới 24h đêm.
Đầu tháng 5, Đoàn công tác số 8 của Quân chủng Hải quân rời Cảng Quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) tới thăm, động viên, tặng quà quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Tham gia đoàn có gần 300 đại biểu đến từ nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có 15 đại biểu thuộc Đoàn công tác tỉnh Đắk Nông. Chuyến đi kéo dài 8 ngày, trong đó thời gian chủ yếu là di chuyển trên biển, chính vì thế mọi sinh hoạt ăn uống, tắm giặt của các đại biểu đều diễn ra trên tàu 571 (tàu Trường Sa).
Đại úy Hồ Sỹ Thiệu, Trợ lý quân nhu, Lữ đoàn 995, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết, 1 tổ công tác lâm thời gồm 17 người đã được thành lập để phục vụ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của các đại biểu.
Do số lượng bữa ăn mỗi ngày rất lớn, tổ được chia thành 5 tổ nhỏ gồm: nấu cơm, nấu ăn chính, sơ chế, nhà bàn và phục vụ chung. Các tổ làm việc luân phiên nhau, từ 2h30 sáng đến 24h đêm mỗi ngày, bảo đảm nhu cầu ăn uống hàng ngày của gần 300 đại biểu.
Theo Đại úy Hồ Sỹ Thiệu, một chuyến tàu thường rất dài ngày nên việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm dự trữ là rất quan trọng. Để phục vụ Đoàn công tác số 8, đơn vị đã chuẩn bị 15 tấn hàng hóa là rau củ quả, thịt cá. Tất cả số hàng này được bảo quản tại 3 kho lạnh trên tàu, phục vụ xuyên suốt hành trình.
Gần 17 năm gắn bó với công việc trên tàu, trong đó phần lớn thời gian là làm việc tại bếp ăn, Thượng úy Phạm Văn Tuấn cho biết, do lượng thức ăn mỗi bữa lớn, tổ nấu ăn cũng thường chia thành các kíp để bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng mỗi bữa ăn. Nấu ăn trên tàu khó khăn hơn rất nhiều so với nấu ăn trên bờ, đặc biệt là thời điểm thuyền đi qua vùng biển động, sóng biển lớn, đầu bếp rất khó để giữ được thăng bằng.
Bên cạnh đó, không gian nấu ăn cũng không được rộng rãi, thoải mái nên cán bộ, chiến sĩ phục vụ phải linh động, phân chia công việc phù hợp, nấu món nào trước, nấu món nào sau để thức ăn không bị nguội khi đưa lên bàn ăn.
“Do đại biểu trên tàu đến từ nhiều tỉnh thành, vùng miền nên khi xây dựng thực đơn mỗi ngày, chúng tôi cũng cố gắng đưa hương vị của cả 3 miền Bắc-TrungNam vào các món ăn. Trung bình mỗi bữa ăn sẽ có khoảng 5-7 món, đối với những đại biểu bị say sóng, không thể ăn cơm, chúng tôi nấu những suất ăn riêng để đại biểu có sức khỏe tốt trong cả hành trình”, Thượng úy Tuấn cho biết thêm.
Bên cạnh việc bảo đảm về tinh thần, thể lực thì cán bộ, chiến sĩ trên tàu cũng thường xuyên quan tâm, động viên lẫn nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hạ sĩ Lê Hoài Thương 20 tuổi đã có 4 tháng phục vụ trên tàu, công việc hàng ngày là sơ chế đồ ăn và giao đồ ăn về từng phòng cho các đại biểu.
“Mặc dù khối lượng công việc rất lớn thế nhưng khi nhận được lời khen, sự động viên của các đại biểu, tổ hậu cần rất vui và hãnh diện”, Hạ sĩ Lê Hoài Thương chia sẻ trong lúc tất bật chuẩn bị các bữa ăn trên tàu 571
.