Dược liệu Đắk Nông vẫn nhỏ lẻ, khó đầu ra
Việc phát triển dược liệu ở Đắk Nông được đánh giá rất thuận lợi. Thế nhưng, do hạn chế trong sản xuất, chế biến sâu, nên chưa phát huy tốt tiềm năng.
Gia đình bà Nguyễn Thị Đường bắt đầu sản xuất dược liệu tại xã Đắk Ha (Đắk Glong) từ năm 2010. Trong khuôn viên 7ha, bà Đường trồng loại giống dược liệu, chủ yếu là nghệ bọ cạp.
Theo bà Đường, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đã phân tích, nghệ bọ cạp có tác dụng tiêu viêm, chữa các u xơ… Tuy nhiên, công dụng của loại cây này chưa được Bộ Y tế công nhận.
Dù vậy, gia đình bà vẫn kiên nhẫn với hướng phát triển nghệ bọ cạp. Bà vận động thêm nhiều người dân cùng tham gia sản xuất nghệ bọ cạp và đứng ra bao tiêu sản phẩm.
Bà ước tính, 1ha nghệ có thể cho năng suất 20 tấn củ. Với giá bán bình quân 50.000 đồng/kg, người trồng nghệ bọ cạp có thể thu nhập cả trăm triệu đồng/ha/vụ.
Khi vùng nguyên liệu lớn dần, gia đình đầu tư máy móc và cả chục nhân công để chế biến tinh chất nghệ bọ cạp. Thế nhưng, do đầu ra chưa ổn định, nên việc sản xuất gặp không ít khó khăn.
Phần lớn sản phẩm nghệ bọ cạp của bà con được bán thô. Tinh chất nghệ chưa được thị trường chú ý. Do đó, bà rất mong Bộ Y tế sớm công nhận công dụng của nghệ bọ cạp.
"Gia đình tôi cũng mong được hỗ trợ thêm máy móc, kết nối các doanh nghiệp chế biến sâu để phát huy tiềm năng dược liệu tại địa phương”, bà Đường cho hay.
Cùng ở xã Đắk Ha, HTX Dược liệu An Phúc Khang cũng chọn nghệ bọ cạp là cây dược liệu chủ lực. Song song với đó, HTX xây dựng vườn ươm, thử nghiệm cả trăm giống dược liệu có giá trị.
Hiện HTX đã mở rộng vùng nguyên liệu trồng dược liệu ra cả trăm ha. HTX trở thành nơi thu mua các sản phẩm dược liệu của người dân địa phương trồng hoặc thu hái tự nhiên.
Hiện nay, HTX đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho cả chục lao động tại địa phương. HTX đã đầu tư nhiều máy móc chế biến dược liệu.
Có hơn 20 sản phẩm cao, dược liệu và tinh dầu đã được HTX chế biến thành công. Tuy nhiên, lãnh đạo HTX thừa nhận, đầu ra của cao và tinh dầu dược liệu khá hạn chế.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ha Hoàng Văn Đồng, tiềm năng dược liệu tại địa phương là rất lớn. Các đơn vị, cá nhân trên địa bàn đã chọn hướng phát triển dược liệu và đầu tư máy móc chế biến. Hiệu quả kinh tế mang lại từ dược liệu là khá tích cực.
Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm dược liệu mới được sơ chế. Mặc dù giá cả thấp hơn nhiều so với các sản phẩm dược liệu cùng chủng loại trên thị trường, nhưng việc tìm đầu ra cũng không phải là dễ.
“Những sản phẩm cao và tinh dầu chưa đạt các chứng nhận nên sức cạnh tranh rất yếu. Mẫu mã, bao bì sản phẩm đang thua thiệt nhiều so với các chủng loại trên thị trường. Địa phương đang hỗ trợ để các sản phẩm này đạt chứng nhận OCOP, từng bước tăng sức cạnh tranh”, ông Đồng cho hay.
Không riêng gì tại Đắk Ha, nhiều đơn vị, cá nhân sản xuất dược liệu ở các địa phương khác đều phải tự lo tìm đầu ra. Một số cá nhân bước đầu đạt hiệu quả kinh tế tích cực, nhưng thừa nhận khó mở rộng sản xuất.
Ông Vũ Xuân Mai, ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) cho biết, gia đình ông trồng chè dây rồi chế biến thành sản phẩm khô. Ông tự tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm, bán với giá 200.000 đồng/kg.
Có thời điểm khách hàng đặt nhiều, nhưng gia đình không dám nhận vì thiếu nguyên liệu. Nhưng việc mở rộng vùng nguyên liệu ông lại đang gặp khó khăn. Phần vì thiếu vốn, thiếu máy móc và lo nhất là về đầu ra sản phẩm.