Đắk Nông - điểm sáng về an toàn thực phẩm trong nông nghiệp
Đắk Nông được Bộ NN-PTNT đánh giá là điểm sáng trong công tác chỉ đạo, điều hành; giám sát, kiểm tra hiệu quả; xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn thực phẩm... trong lĩnh vực nông nghiệp.
Công ty TNHH Thái Thịnh (Đắk Song) chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm từ chanh dây, sầu riêng, mít, với sản lượng hàng trăm tấn thành phẩm mỗi năm.
Theo ông Nguyễn Hàm Thái, Giám đốc Công ty, để có được uy tín với đối tác trong và ngoài nước, các khâu bảo đảm ATTP là quan trọng hàng đầu. Các sản phẩm của Công ty chinh phục được lòng tin người tiêu dùng trong và ngoài nước là nhờ chú trọng yếu tố này.
Công ty bố trí vận hành nhà máy theo các khâu từ nguyên liệu thô, đến tuyển rửa, chế biến, bảo quản theo quy trình khoa học. Đội ngũ quản lý, công nhân của Công ty đều được kiểm tra sức khỏe định kỳ; được tập huấn nhằm nâng cao các kỹ năng về ATTP.
Ví dụ, quá trình sản xuất sản phẩm nước cốt chanh dây, dịch chanh dây đông lạnh, Công ty rất chú trọng đến ATTP. Nguyên liệu được thu hoạch trong ngày và đưa vào xử lý sạch, tách vỏ, cấp đông tại chỗ rồi bảo quản ở nhiệt độ âm sâu 18-25 độ C. Vì thế sản phẩm còn nguyên chất 100%, không có phụ gia và rất an toàn.
Vấn đề ATTP cũng là vấn đề luôn được HTX sản xuất nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú (Krông Nô) quan tâm. HTX luôn sản xuất các sản phẩm trái cây chất lượng cao.
Theo bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX, ATTP được HTX xem là mục tiêu đầu tiên và xuyên suốt trong quá trình sản xuất. Đến nay, toàn bộ quy trình sản xuất sản phẩm của HTX như cam, quýt đều được chứng nhận đạt ATTP, chứng nhận hữu cơ…
“Điều này thể hiện ở nhiều khâu như từ nguồn đất đai, nước, phân bón, quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển đều phải theo một quy chuẩn bảo đảm vệ sinh ATTP”, bà Mai nhấn mạnh
Vấn đề bảo đảm ATTP cho sản phẩm nông sản thời gian qua ở Đắk Nông đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ngoài sự siết chặt của chính quyền địa phương về công tác quản lý về an toàn thực phẩm, thì ý thức trách nhiệm, sự 'gương mẫu" của người dân, tổ chức, đơn vị sản xuất ngày càng được nâng lên. Toàn tỉnh có trên 5.000 hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi cam kết thực hiện tốt ATTP, con số này ngày càng được nâng lên qua từng năm.
Toàn tỉnh hiện có trên 200 tổ chức, cá nhân của tỉnh đã được cấp giấy chứng nhận ATTP, với diện tích trên 28.000 ha gồm cà phê, hồ tiêu, lúa, rau, quả…
Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, muốn sản phẩm chất lượng tốt, trước tiên phải bảo đảm ATTP. Điều đáng mừng là ATTP ngày càng được các hộ dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Đắk Nông quan tâm, cam kết thực hiện.
Đắk Nông được Bộ NN-PTNT đánh giá thuộc nhóm địa phương triển khai tốt các biện pháp bảo đảm ATTP cho sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
Cụ thể, Đắk Nông được xếp vị trí thứ 7 cả nước về ATTP nông sản. Một số mặt mạnh của tỉnh như trong chỉ đạo, điều hành tốt; giám sát, kiểm tra hiệu quả; xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn...
Cũng theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, đơn vị đang tăng cường sự phối hợp với các cơ quan liên quan, địa phương tiếp tục siết chặt hơn nữa việc bảo đảm ATTP.
Là đơn vị chủ lực, Sở NN-PTNT tập trung thực hiện các giải pháp như: phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; sản xuất theo quy mô hàng hóa tập trung; sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ...
Lực lượng chuyên môn sẽ thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý chất lượng, ATTP nông sản theo kế hoạch và đột xuất. Việc kiểm tra sẽ có trọng tâm, trọng điểm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm.