Đức kêu gọi đối thoại cởi mở với Trung Quốc về những khác biệt
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 20:57, 10/05/2023
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương. (Ảnh: Reuters)
Ngày 9/5, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đang ở thăm Berlin đã có cuộc hội đàm thảo luận về quan hệ song phương, cũng như nhiều vấn đề khu vực và quốc tế.
Phát biểu họp báo sau cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Đức Baerbock kêu gọi tiến hành cuộc đối thoại chân thành và cởi mở về những khác biệt giữa hai bên.
Bà Baerbock đánh giá cao việc hai nước nối lại cuộc tham vấn chính phủ song phương sau thời gian đại dịch COVID-19, nhấn mạnh Đức và Trung Quốc vẫn còn nhiều vấn đề cần thảo luận, bao gồm các mối quan hệ kinh tế công bằng, vấn đề an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, những diễn biến ở Trung và Cận Đông...
Bà Baerbock đánh giá Trung Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, có vai trò then chốt trong cuộc khủng hoảng khí hậu bởi Trung Quốc cũng là nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới.
Ngoại trưởng Baerbock cũng kêu gọi Trung Quốc, với tư cách là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có thể dùng ảnh hưởng của mình để đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt xung đột, kiến tạo hòa bình ở Ukraine.
Về phần mình, ông Tần Cương kêu gọi Trung Quốc và Đức đi theo con đường đúng đắn, cùng nhau phản đối một cuộc "Chiến tranh Lạnh" mới và sự tách rời các nền kinh tế hoặc cắt đứt chuỗi cung ứng, đồng thời thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên thế giới.
Bộ trưởng Tần Cương cho rằng Đức và Trung Quốc cần tăng cường đối thoại và hợp tác trong bối cảnh tình hình quốc tế nhiều bất ổn như hiện nay.
Hai nước cũng cần chuẩn bị tốt cho cuộc tham vấn chính phủ song phương và lên kế hoạch toàn diện để hợp tác thiết thực trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới.
Về xung đột Nga-Ukraine, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh lập trường nhất quán của nước này là tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán vì hòa bình và thúc đẩy cộng đồng quốc tế đạt đồng thuận cao về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng.
Ông hối thúc các nước châu Âu giải quyết cả nguyên nhân gốc rễ và tác động của cuộc khủng hoảng, đồng thời nỗ lực khôi phục hòa bình và an ninh.
Khi được hỏi về khả năng Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh trừng phạt một số doanh nghiệp Trung Quốc bị cáo buộc hợp tác với Nga, ông Tần Cương tuyên bố Bắc Kinh phản đối một số nước đưa ra các biện pháp trừng phạt đơn phương với các quốc gia khác, đồng thời cảnh báo Trung Quốc sẽ có những phản ứng cần thiết để bảo vệ quyền cũng như lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp nước này.
Từ ngày 8-12/5, ông Tần Cương có chuyến thăm 3 nước Đức, Pháp và Na Uy theo lời mời của ngoại trưởng 3 nước này.
Đức và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1972 và đến nay có quan hệ phát triển mạnh, đa dạng. Với khối lượng thương mại gần 300 tỷ euro trong năm 2022, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Đức./.