Văn học - Nghệ thuật

Con chung một mẹ

Mẫn Doanh (Trích tập truyện cổ Mạ ) 10/05/2023 16:51

Truyện cổ dân gian “Con chung một mẹ” của người Mạ cho thấy họ quan tâm lý giải về nguồn gốc tộc người; nói về sự ra đời của tổ tiên người Mạ. Có nhiều dị bản khác nhau để giải thích nhưng tựu chung có một nội dung cơ bản là giải thích nguồn gốc thần thánh, thiêng liêng của dân tộc mình, với quan niệm chung rằng những sinh mệnh đều có nguồn gốc cao quý. Qua câu chuyện còn minh chứng, người Mạ và người Kinh đều là cùng con chung một mẹ.

ma.jpg
Dân tộc Mạ. Ảnh tư liệu

Trái đất này, xưa kia, chỉ có hai ông, nhưng một ông có bà (vợ); và một ông không có bà. Ông có bà sinh ra ba người con. Hai người con gái, một người con trai. Cả nhà, không ai có một tấc sắt. Làm cỏ lúa, phải dùng cái xương sườn con trâu. Đất cứng, cái xương sườn con trâu gãy, chị em phải làm cỏ lúa bằng cái tay. Vì thế cảnh khổ, cảnh nghèo càng thêm khổ nghèo. Đến nỗi, cái chén ăn cơm cũng không có, phải ăn vô cái sớp con đan bằng lá cỏ. Cái ché đựng nước, đựng rượu phải khoét gốc cây chuối để dùng. Quần áo lại càng không có để mặc, phải tước lột vỏ cây Yar che thân.

Thật là quá khổ, quá nghèo!

Một hôm mấy chị em nói với nhau:

– Ở đây, không có gì ăn, đói, chết mất.

Người chị lớn Ka Rum nói:

– Mỗi người đi một nơi, kiếm cái no, cái sống… Người chị nhỏ Ka Rút tiếp lời.

– Đi đâu, ở đâu, phải tin cho nhau biết. Người em trai dặn thêm.

Làm sao mà tin cho nhau biết được ? Ka Rum hỏi.

– Khó quá! Ka Rút băn khoăn.

Núi rừng im lặng. Một lúc lâu, người em trai nói:

– Đúng rồi! Ta vạch dấu lên lá, lên da con trâu… nhờ gió, nhờ nước… chuyền đến cho nhau…

– Ừ phải! Mọi người cười, nói vui vẻ và ra đi.

Người em trai và chị Ka Rút theo đường suối lên rừng. Ngày đi đêm ngủ. Đào củ chụp, củ mài, bẻ đọt mây, đốt rễ cỏ tranh làm muối ăn cho qua bữa. Rừng rậm, núi cao, suối sâu… chị em dìu nhau vượt qua. Đến một chiều nọ, hai chị em gặp đầu nguồn nước chảy xiết, không lội qua được, hai chị em Ka Rút đành dừng chân lại và xây dựng làng buôn, sinh con đẻ cái, phát rẫy tra hạt, nuôi trâu, dê, heo, gà…

Làng buôn Mạ sinh ra từ đó.

Ít lâu sau, nhớ Ka Rum, Ka Rút bảo em trai lấy miếng da trâu vẽ vạch tin về làng buôn mới, về đất rừng, về ăn ở, về sức khoẻ của Ka Rút và em trai đã ở yên nơi đầu nguồn nước, nơi có ông Yút, ông Lang Bian…

Các con suối Đạ Lạch, Đạ Me, Tẻh, Đạ Nga… đưa miếng da trâu có vạch dấu gửi của chị em Ka Rút đến với chị Ka Rum dưới xuôi, những miếng da trâu đi chưa được bao lâu, con cá, con quạ thèm ăn đã rỉa rứt và tha đi miếng da trâu ấy. Nên ngày nay, người Mạ chưa có chữ riêng của dân tộc mình là vậy.

Còn chị lớn Ka Rum, một mình phải lủi thủi, đường bằng đi mãi, đi mãi. Nhưng rồi cũng hết đường, vì gặp biển. Ka Rum phải dừng lại và xây dựng làng xóm Việt.

Nhớ lời hẹn xưa, chị Ka Rum lấy lá chuối khô viết vạch tin mừng và nhờ gió chuyển đưa lên rừng thăm chị em Ka Rút, từ đó, người Việt có chữ viết của mình.

Tuy là chị em chung một ruột, nhưng chị Việt có chữ viết, em Mạ chưa có chữ viết là do nguyên nhân xảy ra tự xa xưa.

Và cũng từ xa xưa, người Mạ thường truyền miệng cho con cháu mình biết và nhớ một câu nói:

“Choong, Bang Kon Jon; Tôông, Tang Kon chau bal kon me rung”. Nghĩa là: Choong và Bang là người Kinh, Tôông, Tang là người dân tộc, nhưng đều là con chung một mẹ.

Mẫn Doanh (Trích tập truyện cổ Mạ )