Chuyện cây vú sữa miền Nam trong vườn quả Bác Hồ

Học và làm theo Bác Hồ - Ngày đăng : 08:12, 27/10/2019

Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Việt Nam tạm thời chia cắt làm hai miền Nam Bắc, đồng bào miền Nam sống dưới ách chiến đóng của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Dù chịu nhiều gian khổ hy sinh nhưng đồng bào miền Nam vẫn luôn hướng về miền Bắc, về Đảng và Bác Hồ kính yêu. Đầu năm 1955, trên con tàu Kilinki (mang quốc tịch Ba Lan), đoàn cán bộ của Văn phòng Trung ương Cục miền Nam tập kết ra Bắc. Đoàn vinh dự được mang cây vú sữa miền Nam ra biếu Bác Hồ, thể hiện tấm lòng kính yêu vô hạn của đồng bào miền Nam đối với Bác. Bà mẹ liệt sĩ Lê Thị Sảnh (còn gọi là mẹ Tư Tố) ở Ranh Hạt thuộc ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, là người đã trao cho đồng chí chỉ huy Đại đội 370 pháo binh, Tiểu đoàn 307 cây vú sữa cao 2 tấc được ươm trồng trong một chiếc bình tích bằng sành. Ngày mồng 3 tết năm ấy, đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh (người phụ trách đoàn) đã đưa cây vú sữa vào Phủ Chủ tịch kính tặng Bác Hồ. Bác vô cùng xúc động khi được biết đây là cây vú sữa của đồng bào tận vùng đất mũi Cà Mau gửi tặng. Cây vú sữa được Bác trồng ngay gần bờ ao, bên cạnh ngôi nhà 54, nơi Bác ở 4 năm đầu sau khi chuyển về khu Phủ Chủ tịch.

cayvusua.jpg
Bác Hồ chăm sóc cây Vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng Người (12/1957)

Cây vú sữa vốn là loài cây ưa khí hậu nóng ở miền Nam và ít chịu được lạnh ở miền Bắc, do vậy, những ngày đầu mới trồng, cây còn nhỏ và rất khó chăm sóc. Hàng ngày, mặc dù bận nhiều công việc, nhưng trước giờ làm việc buổi sáng, hay sau giờ làm việc buổi chiều, Bác đều dành thời gian tự tay chăm sóc, vun tưới cho cây vú sữa với tất cả tình cảm sâu nặng Bác dành cho đồng bào miền Nam. Mùa đông giá rét, Bác nhắc các đồng chí phục vụ bện rơm quấn quanh thân cây, lấy mùn tấp vào gốc để chống lạnh cho cây. Mùa mưa bão, Bác nhắc nhở anh em chằng chống cho cây khỏi đổ. Hình ảnh Bác Hồ chăm sóc cho cây vú sữa đã làm xúc động hàng triệu trái tim người dân Việt Nam, đặc biệt là nhân dân miền Nam - thành đồng của Tổ quốc.


Tháng 5-1958, Bác chuyển sang sống và làm việc tại ngôi nhà sàn. Tuy ngôi nhà sàn cách ngôi nhà Bác ở đầu tiên không xa (chỉ khoảng hơn 100m) và hàng ngày Bác vẫn về bên đó ăn cơm, tiếp khách nhưng cuối năm đó, Bác đã đề nghị chuyển cây vú sữa trồng ở phía sau nhà sàn để Bác chăm sóc được thuận tiện hơn. Dường như Bác muốn cây vú sữa miền Nam luôn ở gần bên Bác. Hàng ngày, làm việc tại nhà sàn, Bác vẫn nhìn thấy cây vú sữa để hình ảnh miền Nam luôn trong trái tim Người. Có lẽ những tình cảm yêu thương sâu nặng nhất Bác dành trọn cho đồng bào miền Nam. Đồng chí Phan Văn Xoàn, bảo vệ Bác từ năm 1955-1969 kể lại: Có lẽ những tình cảm yêu thương sâu nặng nhất Bác dành trọn cho đồng bào miền Nam. Cây vú sữa, tấm bản đồ, đó là những nơi Bác thường đối diện, trầm tư.

Nhờ sự quan tâm chăm sóc của Bác và những đồng chí phục vụ, cây vú sữa lớn dần, cành lá xum xuê và vươn cao, rễ đâm sâu vào lòng đất, đủ sức chống đỡ mưa to gió lớn. Bác căn dặn những người làm vườn rút kinh nghiệm để chăm sóc cây vú sữa ngày càng tốt. Khi cây vú sữa ra hoa, kết quả, những lứa đầu cây ra quả, quả nhỏ và không sai. Thấy vậy, Bác nói với các đồng chí phục vụ: "Có lẽ mình chưa biết rõ cách chăm bón nên cây ra quả nhỏ và không nhiều". Các đồng chí phục vụ thưa với Bác là cây vú sữa này do không hợp với khí hậu miền Bắc nên cho quả ít và nhỏ. Bác suy nghĩ một lát rồi nói: "Các chú có nhớ, khi đi thăm Hồ Tây với Bác, các chú đã thấy cây vú sữa ở đó ra nhiều quả và quả lại to không? Các chú cần tìm các nhà chuyên môn làm vườn để học hỏi thêm kinh nghiệm trồng cây vú sữa" (Bên Hồ Tây có một nhà nghỉ dành cho cán bộ, chiến sĩ miền Nam. Anh chị em cũng đã trồng và chăm sóc một cây vú sữa ở đây). Anh em phục vụ làm theo ý Bác. Với những phương pháp chăm sóc mới, cây vú sữa cho quả nhiều và to hơn. Thấy vậy, Bác rất vui. Có lần, đồng chí phục vụ hái quả vú sữa chín cây mời Bác, Người nói: "Chú hãy chờ cho quả chín đều, hái một lần rồi chia cho mọi người".

Cây vú sữa trong vườn Bác nay đã trở thành biểu tượng về tấm lòng của Bác luôn nhớ tới đồng bào miền Nam ruột thịt phải chịu nỗi đau chia cắt đất nước. Từ khi Bác về cõi vĩnh hằng, các cán bộ nhân viên Khu di tích vẫn thay Bác chăm sóc, vun xới và giữ gìn cây vú sữa như lúc sinh thời Người.