Tập trung xây dựng thương hiệu du lịch địa phương gắn với Công viên ĐCTC UNESCO Đắk Nông
Đất nước con người - Ngày đăng : 10:44, 10/05/2023
Phát huy điểm độc đáo, giá trị nổi bật của CVĐC Đắk Nông
Trong định hướng phát triển du lịch, tỉnh Đắk Nông xây dựng 4 sản phẩm du lịch gồm: sản phẩm du lịch gắn với CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông; sản phẩm du lịch dựa vào cộng đồng; sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm; sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng. Trong đó, sản phẩm du lịch gắn với CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông được xem là sản phẩm du lịch chính của tỉnh Đắk Nông.
Được thành lập ngày 31/12/2015, CVĐC Đắk Nông trải dài trên diện tích 4.760km², trên địa phận 6 huyện, thành phố là: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’long và Gia Nghĩa. Khu vực này có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; gần các trung tâm phát triển du lịch của khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, có điều kiện giao thông thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nhiều di sản địa chất - địa mạo, đặc biệt là hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á với hàng trăm hang động lớn nhỏ; có sự đa dạng về sinh học tập trung ở các khu bảo tồn, vườn quốc gia trong vùng CVĐC.
Ngày 7/7/2020, CVĐC Đắk Nông được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu và chính thức xuất hiện trên bản đồ du lịch của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu với 177 điểm đến. Với các giá trị độc đáo và nổi bật, CVĐC Đắk Nông là tài sản vô cùng quý giá, không chỉ của cộng đồng các dân tộc tỉnh Đắk Nông mà còn của Việt Nam và của nhân loại. So với các CVĐC trong nước và thế giới, CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông chứa đựng, liên kết trong mình các giá trị độc đáo về địa chất, khảo cổ, văn hóa, thiên nhiên, cảnh quan, đa dạng sinh học...
Lịch sử của vùng đất CVĐC Đắk Nông bắt nguồn từ 140 triệu năm trước, khi nơi đây còn là một phần của đại dương rộng lớn. Vận động kiến tạo của lớp vỏ trái đất đã khiến khu vực này được nâng lên và xuất hiện núi lửa. Chính hoạt động phun trào núi lửa đã che phủ đến một nửa diện tích khu vực này bởi các lớp dung nham bazan. Đáng ngạc nhiên là cách đây khoảng 10.000 năm, núi lửa vẫn còn hoạt động, tạo nên hệ thống hang động núi lửa độc đáo, đồ sộ nhất khu vực Đông Nam Á. Chính vì vậy, điểm đặc biệt nhất trong khu vực CVĐC Đắk Nông là hệ thống hang động trong đá bazan, phân bố ở khu vực Đray Sáp - Chư Bluk, được phát hiện từ năm 2007, và đã được Hiệp hội Hang động Núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về quy mô, độ dài cũng như tính độc đáo. Trong đó, có hang dài hơn 1km, tổng chiều dài các hang động cho đến nay được đo vẽ là hơn 10.000m. Trong các hang động còn ẩn chứa nhiều điều bí mật về cơ chế thành tạo, các tổ hợp khoáng vật, đa dạng sinh học, di chỉ khảo cổ và những dấu tích hoạt động của người tiền sử.
Điểm đặc sắc, đặc biệt nhất so với toàn thế giới và cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam, các nhà khoa học đã tìm ra những di chỉ khảo cổ của người tiền sử, trong đó có một bộ di cốt người tiền sử cách đây 6.000 - 7.000 năm thuộc Văn hóa Hòa Bình ở trong hang động núi lửa… Các phát hiện về di chỉ khảo cổ người tiền sử sinh sống trong khu vực hang động núi lửa của CVĐC đã thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước. Trong khu vực CVĐC có các di sản địa kiểu cổ sinh như các hóa thạch cúc đá, sò, hai mảnh vỏ… chứng minh thời kỳ này nơi đây còn là một phần của đại dương rộng lớn.
CVĐC Đắk Nông là mô hình kết nối, giúp du khách tìm hiểu về sự hình thành của trái đất, thông qua hình thức du lịch địa chất. Mô hình này đề cao công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân và du khách để sống chan hòa với thiên nhiên, biết trân trọng những giá trị và tài nguyên của tạo hóa.
Mang những giá trị về văn hóa bản địa, CVĐC Đắk Nông còn là nơi giúp du khách trải nghiệm đời sống tinh thần đa dạng, phong phú của phần lớn các dân tộc trên địa bàn tỉnh, thể hiện rõ nét qua các tín ngưỡng dân gian, các nghi lễ, lễ hội, ngữ văn dân gian, nghệ thuật diễn xướng, các trò chơi dân gian… những di sản văn hóa cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Đến nay, trong Công viên địa chất Đắk Nông có 5 núi lửa, gồm núi lửa Nâm Dơng, Băng Mo (huyện Cư Jút), Nâm Blang, Nâm Kar (huyện Krông Nô) và Nâm Gle (huyện Đắk Mil). Trong số này, nổi bật là hang C7 có chiều dài 1.067m, được xác định là hang động dung nham dài nhất Đông Nam Á; kế đến là hang C6.1 dài hơn 968m và hang C3 (hang Dơi) dài 594m.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, Vườn quốc gia Tà Đùng, rừng đặc dụng - cảnh quan Đray Sáp và một phần phía Nam của Vườn quốc gia Yok Đôn là những nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học của khu vực CVĐC Đắk Nông. Ngoài ra, nơi đây còn có các hồ nước tự nhiên đầy thơ mộng như hồ Ea Snô, hồ Tây… được tạo thành từ các sụt võng kiến tạo, và hệ thống các thác nước đẹp, hùng vĩ như thác Gia Long, thác Trinh Nữ, Dray Sáp…
Hệ thống động thực vật trong CVĐC rất phong phú với nhiều giống, loài quý hiếm, có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Đây là tiềm năng lớn để CVĐC Đắk Nông phát triển các mô hình du lịch sinh thái, thám hiểm, nghiên cứu về đa dạng sinh học… thu hút các nhà khoa học cũng như du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu.
Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu du lịch Đắk Nông gắn với CVĐC
Việc CVĐC Đắk Nông được UNESCO vinh danh là CVĐC toàn cầu đã mở ra nhiều cơ hội để thu hút được sự quan tâm từ các nhà nghiên cứu, du khách trong nước và quốc tế, tạo điều kiện để du lịch tỉnh Đắk Nông phát triển và từng bước xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh Đắk Nông.
Đắk Nông là địa phương thứ 3 của Việt Nam và thứ 164 trên thế giới có CVĐC được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu UNESCO. Việc tận dụng những lợi thế mà CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông mang lại sẽ giúp phát huy hiệu quả du lịch, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Dựa trên những yếu tố độc đáo về địa chất, địa mạo, cổ sinh vật học và sự đa dạng sinh học, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng 3 tuyến du lịch gắn với các điểm di sản trong vùng CVĐC như: “Trường ca của lửa và nước”; “Bản giao hưởng của làn gió mới” và “Âm vang từ trái đất”. Ngoài ra, thời gian qua, tỉnh Đắk Nông cũng đã cùng với các chuyên gia tiến hành nghiên cứu và khảo sát tuyến du lịch thứ 4 tại huyện Cư Jut. Hy vọng, những tuyến du lịch độc đáo này sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ về địa chất, địa mạo, văn hóa, lịch sử, vùng đất, con người Đắk Nông.
Bên cạnh đó, việc khai thác, xây dựng sản phẩm du lịch gắn với văn hóa cộng đồng, trong đó lựa chọn xây dựng và vận hành các mô hình du lịch gắn với các điểm di sản của CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông sẽ tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, phong phú và là phương cách để xóa đói giảm nghèo của các địa phương làm du lịch cộng đồng, giúp tạo thu nhập, xuất khẩu tại chỗ các loại nông sản, các sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương.
Với nhiều hình thức đa dạng gắn với những cảnh quan đẹp, thiên nhiên hoang sơ, khí hậu mát mẻ như: hồ Tà Đùng, thác Đray Sáp, hang động núi lửa, Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung... việc đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng trong tương lai sẽ góp phần không nhỏ vào việc tạo dấu ấn riêng cho Du lịch Đắk Nông.
Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các điểm đến trong vùng CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông để phát triển du lịch bền vững theo các tiêu chí của Mạng lưới CVĐC toàn cầu đề ra; đồng thời, sẵn sàng cho việc tái đánh giá danh hiệu CVĐC toàn cầu của Đoàn chuyên gia UNESCO vào tháng 7/2023 tới đây. Đồng thời, các địa phương trong tỉnh tăng cường liên kết, hợp tác, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm, từng bước hình thành thương hiệu du lịch CVĐC toàn cầu, gắn với các sản phẩm đặc thù của địa phương, hướng tới mục tiêu tạo thương hiệu du lịch Đắk Nông. Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa CVĐC thực sự trở thành mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương, tăng thu nhập và nâng cao đời sống vật chất - tinh thần của cộng đồng dân cư trong vùng CVĐC nói riêng và tỉnh Đắk Nông nói chung.