Kinh tế

Nông dân Đắk Nông thu hàng chục triệu đồng từ thuần phục ong rừng 

Hưng Nguyên 10/05/2023 05:28

Người đàn ông ở Đắk Song (Đắk Nông) thuần phục thành công 26 đàn ong rừng. Đàn ong cho mật tự nhiên, giúp ông có nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng. 

dsc01785(1).jpg
Những thùng ong được ông Bình nuôi tự nhiên dưới gốc cây công nghiệp

Ngôi nhà của vợ chồng ông Nguyễn Đình Bình, bon Ta Mung, xã Trường Xuân (Đắk Song) nằm giữa vườn sầu riêng xen hồ tiêu. Ấn tượng đầu tiên khi vào nhà ông Bình là những thùng ong được đặt quanh nhà, dưới những tán cây trong vườn. Ít ai biết rằng, đây là ngôi nhà của người từng rất sợ ong.

Ông Bình cho biết, khoảng 3 năm trước, có đàn ong di cư bay vào đậu trong nhà ông. Do sợ ong, nên ông phải nhờ hàng xóm bắt dùm tổ ong này.

Ông Bình quan sát thấy người hàng xóm dùng tay lùa hết ong vào trong thùng xốp một cách đơn giản mà không hề hấn gì. Từ đó, ông bắt đầu tò mò, thường xuyên mở youtube học cách bắt ong.

Nhà của ông Bình ở gần rừng, có nhiều cây công nghiệp, hàng năm đều xuất hiện các đàn ong di cư ghé qua. Ngoài những ngày ra vườn chăm sóc 2 ha hồ tiêu xen sầu riêng, ông bắt đầu rong ruổi đi tìm ong để bắt về thuần phục.

dsc01802(1).jpg
Ông Bình nuôi ong hoàn toàn tự nhiên

Mỗi lần phát hiện tổ ong, dù ở trên cây cà phê, sầu riêng, tổ mối, cột điện... ông đều dùng thùng xốp hoặc nón lá, ống tạo khói và lông não giã nhuyễn để thu phục đàn ong rừng. 

Ông Bình cho biết, sử dụng khói và bột lông não thổi vào tổ ong để ong bay ra. Trong quá trình chờ ong ra khỏi tổ, ông quan sát và tìm cách bắt cho được ong chúa.

Khi bắt được ong chúa, cả đàn sẽ theo. Ông giữ ong chúa trong thùng xốp để cả đàn ong theo vào. Ông thường chờ khoảng 30 phút đến 1 giờ để ong vào hết trong thùng xốp và mang về nhà. 

Theo ông Bình, quá trình tìm ong chúa cần tránh làm tổn thương ong thợ để không bị thất thoát ong nhiều. Để mang ong về, ong chịu ở lại nhà và cho mật thì không dễ, cần rất nhiều công chăm sóc, có kỹ thuật.

Ngày đầu tiên mang ong về, cần cho ong vào trong thùng có sẵn cầu mật để ong có cảm giác như đã có tổ. Cần cho ông ăn đường 1 lần duy nhất để ong làm quen thùng.

Ong nuôi tại nhà có thể bỏ tổ và bay đi bất cứ khi nào nên cần thường xuyên theo dõi các biểu hiện của đàn ong, nhất là ong chúa để kịp thời xử lý. 

Ông Bình chia sẻ: "Ong là loài nhạy cảm, khó nuôi, không phải tổ nào về cũng chịu ở với mình. Để duy trì đàn và tách đàn, tôi đã phải học cách nhân giống ong chúa, đảo cầu theo từng tổ để ong".

Hiện nay, ông Bình đã có nhiều kinh nghiệm trong việc thuần phục, chăn nuôi ong rừng. Ông sẵn sàng thuần phục và hướng dẫn kỹ thuật cho những người muốn nuôi ong rừng tại nhà.

dsc01825(1).jpg
Chất lượng mật ong rừng của ông Bình được đánh giá cao, giá bán từ 500.000 đồng/lít trở lên

Sau 2 năm thuần phục ong rừng, ông Bình đã có 26 thùng ong cho mật vào các mùa hoa. Mỗi năm, ông Bình quay 3 đợt mật, mỗi đợt thu từ 15 - 20 lít.

Ông để ong tự đi lấy mật từ hoa tự nhiên và chỉ khai thác mật khi cầu đã đầy, nên hầu như không tốn kém gì. Thời gian qua, ông bán mật với giá từ 500.000 đồng/lít.

Mỗi năm, ông kiếm thu nhập khoảng 25-30 triệu đồng từ đàn ong. Nguồn thu nhập này giúp ông có thêm điều kiện để đầu tư sản xuất, trang trải sinh hoạt.

Quá trình thuần phục ong và quay mật, ông thường đăng lên facebook, nên được rất nhiều khách hàng tin tưởng đặt mua mật về dùng. 

Tôi thấy rất thú vị với cách thuần phục ong và nuôi ong rừng của ông Bình. Cách làm này vừa tạo ra được sản phẩm mật ong tự nhiên, vừa mang lại thu nhập cho gia đình. 

Ông Bùi Văn Tiến, bon Ta Mung, xã Trường Xuân, Đắk Song, Đắk Nông 

Hưng Nguyên