Pháp luật

Nhiều chủ phương tiện vi phạm “bỏ của chạy lấy người”

Hoàng Thanh 11/05/2023 14:43

Nhiều phương tiện mô tô, xe máy ở Đắk Nông bị công an tạm giữ do phạm lỗi khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, khi quá thời gian tạm giữ, nhiều chủ xe không đến nhận, thậm chí "bỏ của chạy lấy người".

Theo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Đắk Nông, lượng xe máy vi phạm bị tạm giữ tại công an các huyện, thành phố tồn đọng khá nhiều. Rất nhiều phương tiện quá thời tạm giữ nhưng không có người đến nhận lại.

Nhiều kho, bãi tạm giữ phương tiện vi phạm đã quá tải. Tại Đội CSGT Công an huyện Đắk R’lấp hiện có tới trên 100 mô tô, xe máy quá thời gian tạm giữ mà không có người đến nhận.

20230111_085433(1).jpg
Xe máy vi phạm bị tạm giữ tại Đội CSGT Công an huyện Đắk R'lấp

Tương tự, tại Công an huyện Đắk Glong có tới gần 100 mô tô, xe máy không có người nhận. Mặc dù Công an huyện Đắk Glong đã ra thông báo nhiều lần, nhưng có rất ít người đến nhận lại phương tiện.

Theo lực lượng công an, căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, có rất nhiều lỗi vi phạm sẽ bị tạm giữ phương tiện như: không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn; không có giấy đăng ký xe hoặc giấy đăng ký xe hết hạn; xe không gắn biển số; thay đổi kết cấu xe…

Hiện nay, việc xử lý vi phạm luật lệ giao thông được áp dụng theo Nghị định 100, Nghị định 123. Hầu hết các lỗi vi phạm đều tăng nặng hơn nhiều so với trước đây. Vì vậy, nhiều người đã chấp nhận bỏ phương tiện.

Anh N.V.S, trú tại TP. Gia Nghĩa cho biết, vừa qua anh vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe mô tô, mức phạt hơn 7 triệu đồng. Trong khi xe đã cũ, trị giá chỉ vài triệu. Vì vậy, anh đành chấp nhận bỏ xe. 

Còn ông L.V.Q, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) cho biết, ông bị CSGT tạm giữ xe không có giấy tờ xe. Với lỗi này, ông phải nộp phạt tới 4 triệu đồng. Trong khi xe đã cũ nát, nên ông đã bỏ xe.

20230111_085314(1).jpg
Nhiều lỗi vi phạm luật lệ giao thông được xử lý theo Nghị định 123 của Chính phủ.

Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông, có nhiều nguyên nhân người vi phạm không đến làm thủ tục để nhận lại phương tiện bị tạm giữ.

Trong đó, nguyên nhân chính là do mức phạt cao hơn giá trị xe. Ngoài ra, một số xe vi phạm không có giấy đăng ký, xe đã bị thay đổi kết cấu.

Chẳng hạn trong số 75 mô tô, xe máy vi phạm bị Công an huyện Đắk Glong tạm giữ, có tới gần 1/3 đã bị đục số máy, số khung. Điều đó có nghĩa là những xe này không có giấy tờ hợp lệ. Đối với lỗi này, chủ xe sẽ bị phạt rất nặng.

Theo quy định hiện hành, những xe vi phạm mà chủ xe không đến nhận sau thời hạn một năm sẽ được đấu giá sung công quỹ Nhà nước. Đối với những xe hư hỏng, cũ nát sẽ được tiêu hủy.

Cũng theo lực lượng công an, khi xe được xác định vô chủ, quy trình tịch thu, đấu giá, tiêu hủy hiện khá phức tạp. Tính từ thời điểm xe bị tạm giữ đến khi xử lý được, ít nhất mất hơn một năm. 

Điều này rất tạo áp lực cho cơ quan chức năng trong việc tạm giữ phương tiện vi phạm. Nó cũng dẫn đến nguy cơ hư hỏng tài sản của người dân.

Lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, để hạn chế tình trạng chủ xe bỏ xe, cần phải áp dụng công nghệ số trong quản lý giấy phép lái xe, căn cước công dân và các giấy tờ liên quan khác.

Tất cả dữ liệu của người dân sẽ được tích hợp vào hệ thống. Sau đó CSGT sẽ tra cứu, biết được đầy đủ thông tin của người vi phạm. Nếu không đến nộp phạt, giấy phép lái xe sẽ bị vô hiệu.

Lúc đó, chắc chắn sẽ không còn ai dám bỏ xe nữa mà cũng hạn chế được tình trạng vi phạm phát luật về giao thông.

Hoàng Thanh