Pháp luật

Phá rừng tại Đức Hòa đã "hạ nhiệt"

Lê Phước 10/05/2023 05:00

Từ “điểm nóng” phá rừng, công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa đã có sự chuyển biến tích cực.

Cuối tháng 4/2023, chúng tôi theo chân các nhân viên Trạm QLBVR số 2, Công ty TNHH MTV Đức Hòa (Công ty Đức Hòa) tuần tra khu rừng thuộc xã Đắk Hòa (Đắk Song). Chúng tôi men theo những con đường mòn bằng xe máy rồi dừng chân tại một khoảnh rừng bị phá.

Đám rừng này nằm giáp ranh với đất canh tác của người dân. Nhiều cây rừng đã bị chặt đổ ngổn ngang. Hiện vạt rừng này đã được dọn dẹp, đốt trụi.

a1-tuan-tra-rung-1-.jpg
Một đám rừng bị phá, bị đốt nằm giáp ranh với đất người dân đã lấn chiếm trước đó

Theo anh Trần Công Thắng, Trạm trưởng Trạm QLBVR số 2, đám rừng này đã bị phá khoảng 2 năm. Sau khi chặt cây, các đối tượng lợi dụng mùa khô để đốt. Khi cây trụi gốc, họ sẽ lén lút dọn dẹp rồi trồng cây, chiếm đất.

“Khu vực này được thiết kế để trồng rừng. Chúng tôi đã cắm bảng cấm đốt dọn, trồng tỉa. Bất kỳ ai có hành vi chiếm đất sẽ lập tức bị ngăn chặn, xử lý”, anh Thắng cho hay.

Công ty Đức Hòa được giao quản lý hơn 10.300ha rừng và đất rừng, trong đó có gần 4.000ha rừng tự nhiên. Lâm phần quản lý của đơn vị trải dài tại 3 xã: Nam Bình, Đức Hòa và Đắk Môl (Đắk Song).

Cách đây ít năm, Đức Hòa từng là “điểm nóng” của Đắk Nông trong công tác QLBVR. Giai đoạn 2018 - 2020, trung bình mỗi năm xảy ra trên 140 vụ vi phạm tại lâm phần quản lý của công ty. Phần đa các số vụ vi phạm đều là phá rừng. Diện tích rừng thiệt hại mỗi năm gần 20ha.

a3-cam-bang-1-.jpg
Kiểm tra các khu vực có nguy cơ xảy ra lấn chiếm đất

Nhưng từ năm 2021 tới nay, tình hình đã có sự chuyển biến tích cực. Số vụ phá rừng giảm sâu xuống còn 84 vụ năm 2021 và 42 vụ năm 2022. Bốn tháng đầu năm 2023, có 27 vụ vi phạm được phát hiện.

Theo ông Nguyễn Bá Giáp, Giám đốc Công ty Đức Hòa, thời gian qua, đơn vị đã chỉ đạo lực lượng QLBVR chuyên trách tăng cường tuần tra, kiểm tra. Công ty bố trí lực lượng chốt chặn tại các "điểm nóng" phá rừng, vận chuyển lâm sản và lấn chiếm đất rừng.

Công ty Đức Hòa thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng địa phương chốt chặn, truy quét và xử lý kịp thời các vụ vi phạm pháp luật.

Công ty tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với các “chủ rừng” giáp ranh (Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, Công ty TNHH MTV Đắk N’tao) trong QLBVR. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân sinh sống trong và gần rừng được quan tâm đẩy mạnh.

Tình trạng phá rừng tại Đức Hòa đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, các hành vi lấn, chiếm đất lâm nghiệp có nguy cơ tăng lên. Trong điều kiện rừng, đất rừng nằm dàn trải, manh mún, áp lực gia tăng dân cư đang gây thêm áp lực cho QLBVR.

Vì giá trị đất đai tăng, nhiều đối tượng vẫn tìm cách lấn chiếm đất rừng với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Trong khi đó, nguồn kinh phí bố trí cho QLBVR còn hạn chế, chưa bảo đảm để tổ chức QLBVR đạt hiệu quả nhất.

a2-tuan-tra-1-.jpg
Công tác QLBVR tại Công ty Đức Hòa đang có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều áp lực

“Hiện trường các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt. Công ty sẽ tăng cường tuần tra, không để cho các đối tượng lợi dụng thời tiết để trồng cây, chiếm đất. Chúng tôi quyết tâm sẽ giữ chặt diện tích rừng, đất rừng theo hiện trạng”, ông Giáp cho hay.

Theo UBND huyện Đắk Song và Sở NN-PTNT Đắk Nông, công tác QLBVR tại Đức Hòa đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, sự nỗ lực của công ty xứng đáng được biểu dương, khích lệ để tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Lê Phước