Số ca mắc COVID-19 tại Singapore gia tăng trở lại ở mức khá cao
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 20:55, 09/05/2023
Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại Singapore gia tăng trở lại và được báo cáo ở mức khá cao, số người nhập viện cũng như số bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt (ICU) của nước này đã tăng mạnh trong 2 tháng qua.
Số liệu của Bộ Y tế Singapore cho biết trong tuần cuối tháng 4, trung bình số bệnh nhân COVID-19 nhập viện một ngày đã tăng gần gấp đôi so với tuần cuối cùng của tháng 3, với gần 320 bệnh nhân/ngày. Số ca mắc COVID-19 trong tuần đó cũng cao gấp hơn 4 lần so với hồi đầu năm.
Tuy nhiên, theo cơ quan này, số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn nhiều so với báo cáo.
Số ca nhập viện gia tăng do COVID-19 cùng với một số nguyên nhân khác đã dẫn đến tình trạng khó khăn về giường bệnh cho các bệnh nhân điều trị nội trú ở các bệnh viện của Singapore.
Số ca mắc COVID-19 tại Singapore tăng cao cũng đã đẩy số lượng bệnh nhân bị viêm đường hô hấp trên đến khám tại các phòng khám đa khoa ở nước này lên hơn 3.000 ca/ngày trong 3 tuần đầu tiên của tháng 4. Con số này cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, với hơn 80% dân số Singapore đã tiêm ít nhất 3 mũi vaccine ngừa COVID-19 nên hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều từ thể nhẹ đến trung bình.
Bên cạnh đó, căn bệnh truyền nhiễm này hiện được Singapore xử lý như với các bệnh đặc hữu thông thường khác, nên Chính phủ nước này không áp dụng trở lại bất kỳ biện pháp phòng dịch nào.
Tính đến cuối tháng 4, Singapore ghi nhận hơn 2,3 triệu ca mắc và hơn 1.700 ca tử vong do COVID-19.
Trong khi đó, ngày 5/5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Trước đó, ngày 3/5, WHO đã công bố chiến lược mới trong phòng chống COVID-19, trong đó tìm cách giúp các quốc gia chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang chiến lược phòng ngừa và kiểm soát lâu dài đối với dịch bệnh này.
WHO đã công bố kế hoạch chiến lược ứng phó với COVID-19 cho giai đoạn 2023-2025, kế hoạch thứ 4 như vậy kể từ khi các trường hợp mắc bệnh đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào cuối năm 2019.
Chiến lược mới sẽ duy trì 2 mục tiêu của kế hoạch trước đó, được đưa ra vào năm 2022, là giảm sự lây lan của dịch bệnh và điều trị để giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh và hậu quả lâu dài.
Tuy nhiên, kế hoạch mới bổ sung mục tiêu thứ 3 là "hỗ trợ các quốc gia khi họ chuyển từ ứng phó khẩn cấp sang quản lý, kiểm soát và phòng ngừa dịch COVID-19 một cách bền vững lâu dài hơn."
Việc công bố này diễn ra trước thềm cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp về COVID-19 của WHO để quyết định liệu có nên duy trì mức cảnh báo tối đa đối với đại dịch COVID-19 hay không.
Trước đó, WHO cho rằng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 vẫn tồn tại nhưng thế giới đang dần bước ra khỏi giai đoạn khẩn cấp vì đại dịch.
Theo WHO, tất cả các quốc gia cần học cách ứng phó với dịch bệnh này cùng với những dịch bệnh khác./.