Hạ viện Nhật Bản thông qua dự luật nhằm sửa đổi luật nhập cư
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 17:41, 09/05/2023
Một phiên họp Quốc hội Nhật Bản ở Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 9/5, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự luật nhằm sửa đổi luật nhập cư, theo đó trao quyền cho các cơ quan chức năng trục xuất các cá nhân liên tục nộp đơn xin quy chế tị nạn.
Dự luật được thông qua bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của những người ủng hộ người xin tị nạn, cho rằng điều khoản sửa đổi sẽ đặt những người này trước nguy cơ bị trục xuất về quê hương. Văn bản trên hiện được chuyển lên thảo luận tại Thượng viện.
Hiện nay, Nhật Bản không thể trục xuất người nước ngoài về nước họ trong thời gian đơn xin tị nạn của họ đang chờ được giải quyết. Chính phủ cho rằng nhiều người đang lạm dụng hệ thống này và nộp đơn nhiều lần để được ở lại Nhật Bản lâu hơn.
Với việc sửa đổi luật nhập cư, Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida muốn chấm dứt việc tạm giữ trong thời gian dài tại các cơ sở nhập cư đối với người nước ngoài mà không đủ điều kiện trục xuất họ với lý do lưu trú quá lâu hoặc các lý do khác.
Dự luật trên sẽ cho phép chính phủ hồi hương những người không chứng minh được lý do chính đáng để cấp quy chế tị nạn sau lần nộp đơn thứ ba. Dự luật cũng bao gồm việc trao cho những cá nhân đến từ các vùng xung đột một quy chế bán tị nạn để cho phép họ ở lại Nhật Bản nếu họ không đáp ứng tiêu chí tị nạn.
Nhằm nỗ lực ngăn chặn việc tạm giữ trong thời gian dài, chính phủ sẽ cho phép những người đang nộp đơn tị nạn được sống bên ngoài các cơ sở nhập cư dưới sự giám sát của người bảo lãnh họ.
Trong năm 2022, Nhật Bản đã trao quy chế tị nạn cho 202 người, mức cao kỷ lục kể từ khi có quy chế này năm 1982. Nhưng con số này thấp hơn rất nhiều so với ở Mỹ và các nước châu Âu, nơi hàng chục nghìn người được chấp nhận tị nạn hằng năm.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét cho phép sinh viên tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu thế giới ở lại Nhật Bản trong hai năm để tìm việc làm, tăng đáng kể so với thời hạn 90 ngày hiện tại.
Đây là một trong những đề xuất sửa đổi chính sách cư trú dành cho người nước ngoài trong bối cảnh Nhật Bản đang tìm cách thu hút lao động có tay nghề cao đến làm việc tại nước này. Các quy định mới dự kiến sẽ chính thức áp dụng vào đầu tháng Hai sau khi được các bộ trưởng có liên quan thông qua.
Mục tiêu của đề xuất này là tạo điều kiện dễ dàng hơn cho sinh viên tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu ở nước ngoài làm việc cho các công ty Nhật Bản.
Sinh viên tốt nghiệp sẽ phải đến từ các trường đại học nằm trong 2 đến 3 danh sách 100 trường đại học hàng đầu do các tổ chức của Anh và Trung Quốc xếp hạng.
Những người đủ điều kiện sẽ được phép làm việc trong thời gian cư trú, bao gồm cả thực tập hưởng lương, và gia đình của họ cũng có thể sống ở Nhật Bản.
Hiện tại, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học nước ngoài chỉ có thể ở lại Nhật Bản trong 90 ngày để tìm việc làm.
Thay đổi thứ hai đang được đề xuất là mở rộng định nghĩa về chuyên gia theo các quy định về cư trú. Có ba loại chuyên gia là nhà nghiên cứu, kỹ sư và nhà quản lý doanh nghiệp.
Theo đề xuất mới, các nhà nghiên cứu và kỹ sư sẽ đủ điều kiện cư trú nếu họ có bằng thạc sỹ trở lên và kiếm được ít nhất 20 triệu yen (154.000 USD) một năm, hoặc đã làm việc từ 10 năm trở lên và kiếm được ít nhất 20 triệu yen mỗi năm. Các nhà quản lý doanh nghiệp sẽ cần có kinh nghiệm làm việc từ 5 năm trở lên và mức lương hàng năm ít nhất là 40 triệu yen.
Hiện tại, một người được cư trú ở Nhật Bản theo diện chuyên gia phải đạt đủ điểm số trong các hạng mục như kinh nghiệm làm việc, thành tích nghiên cứu và khả năng tiếng Nhật.
Phải mất 3 năm để người đó có thể trở thành thường trú nhân, và thời gian này sẽ được rút ngắn xuống còn 1 năm theo đề xuất mới.
Những chuyên gia này sẽ được phép thuê 2 người giúp việc gia đình thay vì 1 người như hiện nay, và vợ/chồng của họ sẽ có nhiều lựa chọn công việc toàn thời gian hơn.
Những điều chỉnh về chính sách cư trú đã được đưa ra sau khi Thủ tướng Fumio Kishida kêu gọi các biện pháp cụ thể vào tháng 9/2022 nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của các công ty Nhật Bản bằng lao động nước ngoài có tay nghề./.