Tín hiệu lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 23:36, 09/01/2023
Một trung tâm giới thiệu việc làm tại thành phố New York của Mỹ. Ảnh: GETTY IMAGES |
Những điểm sáng của kinh tế Mỹ
Theo AP, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, nền kinh tế nước này đang chứng kiến “những điểm rất sáng” sau một vài năm khó khăn, đồng thời nhấn mạnh kinh tế Mỹ hướng tới “trạng thái bình ổn mới”, một thuật ngữ mới về tăng trưởng chậm lại nhưng ổn định. Mặc dù các nhà đầu tư và nhiều chuyên gia kinh tế cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp gần đây cảnh báo về nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái trong năm 2023, nhưng chính quyền của Tổng thống Biden vẫn đánh giá điều này khó có thể xảy ra, một phần nhờ kế hoạch chi tiêu liên bang. Phát biểu ý kiến với các thành viên Chính phủ Mỹ, ông Biden cho rằng các khoản đầu tư công và tư trị giá 3.500 tỷ USD dành cho sản xuất và công nghệ trong thập kỷ tới sẽ thúc đẩy nền kinh tế quốc gia, củng cố triển vọng đối với các công ty và người lao động Mỹ.
Tổng thống Biden nêu rõ, đây là một trạng thái bình ổn mới về tổng thể. Ông Biden cũng lưu ý rằng, Mỹ là nước duy nhất trên thế giới vượt qua khủng hoảng với kết quả tốt hơn cả trước khi lâm vào khủng hoảng, đồng thời viện dẫn những số liệu mới đây cho thấy lạm phát hạ nhiệt, tăng trưởng kinh tế vững chắc và thị trường lao động ổn định. Tuy nhiên, theo ông Biden, vẫn cần triển khai các kế hoạch chi tiêu liên bang lên tới hàng trăm tỷ USD có được trong ba đạo luật chủ chốt được thông qua năm 2022.
Theo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,8% quý IV/2022 trong khi chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng vỏn vẹn 0,1% tháng 11/2022. Không chỉ mình ông Biden lạc quan về nền kinh tế Mỹ, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng, Mỹ có thể tránh được kịch bản suy thoái toàn diện, vốn được đánh giá sẽ tác động tiêu cực tới một phần ba các nền kinh tế trên thế giới.
Tổng thống Biden cũng đánh giá cao các kế hoạch của Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ, cho phép thi hành luật chống độc quyền, cấm các công ty yêu cầu người lao động phải ký kết những hợp đồng thiếu công bằng và phải trả phí đào tạo để ngăn người lao động đi tìm cơ hội việc làm tốt hơn.
Thị trường việc làm khởi sắc
Năm 2022 đã khép lại ở Mỹ với những thông tin tiêu cực về tình trạng sa thải người lao động, nhưng những dữ liệu mới nhất cho thấy mức độ thiệt hại từ việc này không lớn và các chuyên gia kinh tế cho rằng, đó có thể là một dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm sẽ khởi sắc mạnh mẽ trong năm 2023 ở “xứ cờ hoa”.
Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho thấy, vào thời điểm tháng 11/2022, khoảng thời gian bị rung chuyển bởi các đợt cắt giảm nhân sự rầm rộ khắp các công ty kỹ thuật cao, thị trường lao động tại Mỹ công bố mức sa thải thấp gần như lịch sử với 1,4 triệu người bị mất việc làm, tương đương chưa đến 1% lực lượng lao động. Trong khi đó, có tới 10,5 triệu cơ hội việc làm được mở ra, tương đương 1,7 việc cần tuyển người cho mỗi nhân viên đang làm việc.
Thực tế cho thấy, các công ty tại Mỹ chỉ kiếm vừa đủ nhân lực để lấp đầy số người rút khỏi công việc, tạo ra khoảng 6,1 triệu việc làm, trong khi có khoảng 5,9 triệu người nghỉ việc, bao gồm cả những nhân viên chấm dứt hợp đồng tự nguyện lẫn bị buộc thôi việc. Điểm đáng chú ý là khuynh hướng số người tự động nghỉ việc, có thể đi tìm việc mới, vẫn không giảm sút khi trong tháng 11/2022 có tới 4,2 triệu người quyết định nghỉ việc, đánh dấu 18 tháng liên tiếp có bốn triệu người lao động Mỹ tự nghỉ việc.
Theo đánh giá của các nhà kinh tế, khuynh hướng việc làm ở Mỹ trong năm 2023 thể hiện qua các yếu tố như công việc văn phòng sẽ không có nhiều và vững chắc bằng công việc lao động phổ thông. Những công việc trong các lĩnh vực cơ bản như y tế, luật pháp hay các lĩnh vực phục vụ đời sống sẽ an toàn hơn những công việc mang tính sáng tạo kỹ thuật cao.