Kinh tế

Nông nghiệp tuần hoàn - Hướng phát triển bền vững

Hưng Nguyên 08/05/2023 05:00

Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn là tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để tái sử dụng làm phân bón, thức ăn chăn nuôi theo vòng khép kín. Cách sản xuất này ngày càng phổ biến, được đánh giá là hướng đi bền vững cho ngành Nông nghiệp Đắk Nông.

tien-3-(1).jpg
Nông nghiệp tuần hoàn giúp nông dân Đắk Nông giảm chi phí đầu tư, tăng nguồn thu nhập

Gia đình anh Bùi Văn Tiến, bon Ta Mung, xã Trường Xuân (Đắk Song), có 1.000 trụ tiêu, hơn 1.000 cây cà phê, hơn 100 cây ăn trái các loại.

Tận dụng nguồn lá cây từ các trụ sống hồ tiêu, cây ăn trái, năm 2018, anh bắt đầu nuôi dê.  Hiện nay, anh duy trì đàn dê khoảng 20 - 50 con.

Anh trồng thêm 5 sào cỏ dọc bờ ao và bãi đất trũng để chủ động nguồn thức ăn cho dê. Ngoài việc có thêm thu nhập, đàn dê cung cấp lượng phân lớn để bón cho các loại cây trồng. 

Anh Tiến cho biết, mỗi năm, anh bón phân cho cây trồng từ 3 lần trở lên. Do đó, việc chăn nuôi dê giúp anh giảm được chi phí mua phân. 

Ngoài nguồn thu từ hồ tiêu, cà phê và cây ăn quả với giá bán cao hơn giá thị trường nhờ quy trình hữu cơ, hàng năm, đàn dê mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình anh. 

tien-1-(1).jpg
Sản phẩm cây công nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ có giá trị cao trên thị trường

Tương tự, gia đình anh Đỗ Thanh Ân, thôn 5, xã Đắk Búk So (Tuy Đức), có 3,5 ha đất trồng cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả. Để xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn, anh Ân trồng 5 sào cỏ voi trong vườn để làm thức ăn cho 6 con bò.

Nguồn phân từ đàn bò được anh dùng để nuôi trùn quế. Trùn quế được anh làm thức ăn cho gà. Phân trùn quế, phân gà anh bón cho cây trồng.

Theo Sở NN-PTNT, nông nghiệp tuần hoàn có thể khai thác, sử dụng các phụ phẩm sẵn có một cách hiệu quả, tiết kiệm, giảm chi phí, bảo vệ môi trường.

Sản phẩm từ quy trình này được đánh giá chất lượng cao, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, được thị trường đón nhận.

Để làm nông nghiệp tuần hoàn phải hy sinh lợi nhuận từ 3 - 5 năm. Sau thời gian đó, sản phẩm nông nghiệp luôn sạch, mang lại giá trị cao. 

Đỗ Thanh Ân, thôn 5, xã Đắk Búk So, Tuy Đức, Đắk Nông

Ngoài ra, anh Ân tận dụng những phế phẩm từ quá trình sản xuất ủ thành phân vi sinh để bón cho cà phê, tiêu và cây ăn trái. Chính vòng tuần hoàn khép kín này đã giúp anh tiết kiệm được chi phí sản xuất, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng.

Hiện nay, sản phẩm hồ tiêu của gia đình anh Ân đạt tiêu chuẩn hữu cơ, giá bán cao hơn từ 25% - 35% so với giá thị trường.

Ông Kiều Quí Diện, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức cho biết, trước đây các phụ phẩm nông nghiệp gần như bị bỏ đi, không được quan tâm. Còn hiện nay, người dân đã tận dụng gần như triệt để.

Tái sử dụng phế phẩm nông nghiệp giúp giảm chi phí sản xuất, đồng thời tạo ra sản phẩm hữu cơ. Cách làm này rất tốt cho cây trồng và phát triển nông nghiệp an toàn.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, những năm qua, nhiều nông dân ở Đắk Nông đã sử dụng các phế phẩm nông nghiệp để làm phân bón, thức ăn chăn nuôi tạo nên vòng sản xuất khép kín.

Nông nghiệp tuần hoàn đang dần trở thành phổ biến. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn hiệu quả, quy mô lớn.

Điều này cho thấy, sản xuất nông nghiệp ở Đắk Nông đang dịch chuyển theo xu hướng mới an toàn, hiệu quả, bền vững...

Hưng Nguyên