Những việc cần làm ngay (bài 25)
Báo Đồng Khởi (Bến Tre) số ra ngày 4/3/1989 trong mục “Đối thoại với Ban Biên tập” có trả lời câu hỏi của bạn đọc Trần Kim Ca: Nếu phải chọn lựa giữa đưa tin bài chống tiêu cực và viết nhân tố mới thì Ban Biên tập chọn đăng tin bài nào? Bài báo có đoạn viết:
“... Gần đây đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có nhắc nhở báo chí quan tâm phát hiện nhân tố mới để thúc đẩy xã hội đổi mới hơn nữa. Có người băn khoăn e ngại cho việc đổi mới báo chí có thêm khó khăn. Theo chúng tôi, tùy thời điểm mà Đảng ta nhấn mạnh vấn đề này hay vấn đề khác cốt làm sao cho báo chí phục vụ có hiệu quả cao trong công cuộc đổi mới... Trong việc chọn đăng tiêu cực hoặc tích cực (nhân tố mới) tùy thuộc vào từng thời điểm và bối cảnh như thế nào mà đăng tải loại nào cho có hiệu quả hơn...”.
Tôi xin có mấy lời nói thêm cho rõ:
Khi tôi nhắc nhở báo chí chú ý phát hiện nhân tố mới thì điều đó không có nghĩa là hãy bớt đấu tranh chống tiêu cực trên báo chí mà là để báo chí tiếp tục đổi mới có hiệu quả hơn. Vì nếu đấu tranh chống tiêu cực trên báo chí có tác dụng hạn chế các hiện tượng xấu xa trong xã hội thì phát hiện và ủng hộ nhân tố mới là góp phần thúc đẩy cái tốt được nhân lên, đẩy lùi cái xấu.
Đấu tranh chống tiêu cực và phát hiện, cổ vũ nhân tố mới trên báo chí là hai mặt gắn bó khăng khít nhau. Bản thân việc chống tiêu cực cũng đã chứa đựng nhân tố mới và trong nhân tố mới cũng đã bao hàm yếu tố chống tiêu cực.
Báo chí phải nói cho đầy đủ, chân thật các yếu tố của xu thế phát triển chung. Đấu tranh chống các mặt tiêu cực là để mở đường, cởi trói cho nhân tố mới phát triển. Phát hiện và cổ vũ nhân tố mới là tiếp sức cho việc đẩy lùi tiêu cực. Nhiệm vụ của báo chí là phải tiến hành công cuộc đổi mới công khai hơn nữa, dân chủ hơn nữa, chân thật hơn nữa. Không được lùi bước, cũng không được lệch lạc một chiều.
Chúng ta đã thấy được sự tệ hại và hậu quả trầm trọng của cơ chế quan liêu bao cấp. Chúng ta cũng đã thấy được sức sống mới từ những mầm xanh tươi tốt xuất hiện từ sau Đại hội VI, nhất là từ sau khi có các Nghị quyết 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quyết định 217 của Hội đồng Bộ trưởng, và các Nghị quyết 10, Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị...
Hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” nhiều báo ở Trung ương và địa phương như Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Lao động, Tiền phong, Đại đoàn kết, Tuần tin tức, Tuần tin Thanh niên, Đài Phát thanh, Đài Truyền hình, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ... đã tích cực đấu tranh chống tiêu cực.
Nay các báo cần tiếp tục đấu tranh chống tiêu cực, đồng thời ủng hộ nhân tố mới, làm cho những mặt tích cực xuất hiện từ sau Đại hội VI trở nên ngày càng phổ biến, ngày càng có sức chi phối tình hình, đẩy lùi khó khăn, ổn định để đưa đất nước tiến lên. Có làm như vậy báo chí mới thực sự đổi mới và góp phần tích cực đổi mới đất nước.
N.V.L.
---------------
Báo Nhân Dân, số 12657, ngày 16/3/1989.