Việt Nam là đối tác quan trọng của Anh ở châu Á-Thái Bình Dương

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 18:46, 06/05/2023

Ngoại trưởng Anh James Cleverly khẳng định hai bên đang hợp tác tích cực trong các lĩnh vực truyền thống như thương mại-đầu tư, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới, tiềm năng.

Viet Nam la doi tac quan trong cua Anh o chau A-Thai Binh Duong hinh anh 1Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc gặp làm việc với Ngoại trưởng Anh James Cleverly. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 5/5, tại Thủ đô London, Vương quốc Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc gặp làm việc với Ngoại trưởng Anh James Cleverly.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Anh, việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhận lời mời của Hoàng gia Anh sang dự Lễ Đăng quang của Nhà vua Charles Đệ Tam là minh chứng rõ nét, nhằm góp phần củng cố hơn nữa tin cậy chính trị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước; bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hai nước trên các lĩnh vực, đúng với tinh thần Tuyên bố chung năm 2020 nhằm nâng tầm quan hệ trong thập kỷ tới.

Để tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước trong thời gian tới, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tiếp tục đẩy mạnh trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa hai nước; phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương; tích cực triển khai Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA), đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư hai nước; khuyến khích các doanh nghiệp Anh tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Anh có thế mạnh và phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam như: ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, tài chính-ngân hàng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao…

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam ủng hộ và chúc mừng Anh đã hoàn tất đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP); đề nghị Anh tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là tại các khu vực bị ảnh hưởng như Đồng bằng sông Cửu Long, sông Mekong, xây dựng thể chế, chính sách và đào tạo nhân lực trong quá trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững; sớm ký thỏa thuận về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, kết nối phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp giữa hai nước; hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực y tế, xây dựng hệ thống y tế có khả năng chống chịu cao.

Ngoại trưởng Anh bày tỏ hoan nghênh và trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Lễ Đăng quang của Nhà vua Anh, đặc biệt trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, phản ánh hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp; nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới.

Ngoại trưởng Anh khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của Anh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương; bày tỏ cảm ơn Việt Nam ủng hộ Anh trong tiến trình gia nhập CPTPP; hai bên đang hợp tác tích cực trong các lĩnh vực truyền thống như thương mại-đầu tư, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới, tiềm năng như năng lượng tái tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu, là những vấn đề sẽ định hình quan hệ hai nước trong thời gian tới.

Viet Nam la doi tac quan trong cua Anh o chau A-Thai Binh Duong hinh anh 2Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc gặp làm việc với Ngoại trưởng Anh James Cleverly. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngoài ra, Ngoại trưởng Anh nhất trí cần xây dựng các biện pháp tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, phù hợp nguyện vọng và khả năng của cả hai bên; nhất trí với đề nghị của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn về tăng cường hợp tác hai nước trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có việc lập cơ chế hợp tác ba bên về nông nghiệp giữa Anh, Việt Nam và một đối tác thứ ba; ủng hộ tăng cường giao lưu nhân dân, nhất là hợp tác về giáo dục, kết nối thanh niên hai nước…

Về vấn đề Biển Đông, hai Bộ trưởng nhất trí cho rằng việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông đóng vai trò quan trọng cho hòa bình, phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới; mọi tranh chấp cần được các bên liên quan giải quyết hòa bình thông qua đối thoại, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); ủng hộ việc tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), tiến tới đạt được một Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả và thực chất./.

(TTXVN/Vietnam+)

(TTXVN/Vietnam+)