Hệ lụy từ thời kỳ nô lệ vẫn "đeo bám" người da màu tại Mỹ
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 16:39, 06/05/2023
Biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc và việc cảnh sát sử dụng vũ lực nhằm vào người da màu tại New York, Mỹ, ngày 27/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các chuyên gia về phân biệt chủng tộc của Liên hợp quốc đã kêu gọi các cấp chính quyền Mỹ quan tâm và giải quyết những hệ lụy từ thời kỳ nô lệ trong xã hội nước này, đặc biệt là với cộng đồng người da màu.
Một nhóm gồm các chuyên gia độc lập của Liên hợp quốc đã được thành lập 1 năm sau vụ việc công dân da màu George Floyd tử vong khi bị cảnh sát da trắng ở Minnesota bắt giữ năm 2020.
Nhóm có tên gọi là Cơ chế Chuyên gia Quốc tế Độc lập thúc đẩy bình đẳng và công bằng chủng tộc trong lực lượng hành pháp, chuyên điều tra những cáo buộc về hành động bạo lực có động cơ phân biệt chủng tộc của lực lượng cảnh sát trên toàn thế giới.
Nhóm chuyên gia vừa kết thúc 12 ngày làm việc tại Mỹ, gặp các nạn nhân trong các vụ việc phân biệt chủng tộc, các nhà hoạt động xã hội, cơ quan tư pháp, nghiệp đoàn cảnh sát, các quan chức địa phương và liên bang ở các thành phố Washington, Atlanta, Los Angeles, Chicago, Minneapolis và New York.
Phát biểu với báo giới, bà Tracie Keesee, thành viên đoàn chuyên gia trên, cho biết tại Mỹ, tình trạng bất bình đẳng chủng tộc đã có từ khi đất nước ra đời và không thể thay đổi nhanh chóng.
Do đó, cần cải tổ toàn diện và cần sự lãnh đạo mạnh mẽ ở tất cả các cấp nhằm giải quyết tình trạng đã "ăn sâu bám rễ" trong cuộc sống hằng ngày của người Mỹ gốc Phi.
Những cuộc phỏng vấn mà đội ngũ chuyên gia Liên hợp quốc thực hiện đã làm rõ những áp lực mà người da màu phải trải qua trong cuộc sống. Ngay cả những quan chức da màu cũng chịu những áp lực tương tự.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động nhằm ngăn chặn nạn phân biệt chủng tộc ở mọi nơi, mọi lúc, cũng như xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc.
Phát biểu tại một sự kiện của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhân Ngày Quốc tế Xóa bỏ phân biệt chủng tộc (ngày 21/3), Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh vấn nạn này là một trong những yếu tố có sức tàn phá mạnh nhất, do gây chia rẽ xã hội và là nguyên nhân gây ra cái chết và sự đau khổ trên quy mô lớn trong suốt lịch sử.
Ngày nay, phân biệt chủng tộc cùng những tàn dư của chế độ nô lệ và chủ nghĩa thực dân tiếp tục hủy hoại cuộc sống, gạt các cộng đồng ra bên lề, hạn chế các cơ hội và ngăn cản việc phát huy tiềm năng của hàng tỷ người trên thế giới.
Trong bối cảnh tư tưởng bài ngoại, định kiến và các phát ngôn gây thù hận đang ngày càng gia tăng, đặc biệt trên các nền tảng xã hội, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh sự cần thiết của việc ngăn chặn nạn phân biệt chủng tộc trong thời đại kỹ thuật số./.