Những việc cần làm ngay (bài 23)
Đã nhiều năm nay, việc phân phối vật tư, nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất quốc doanh làm theo cơ chế hành chính quan liêu, bao cấp nên đã gây ra nhiều bất hợp lý và tiêu cực.
a) Phần lớn vật tư, nguyên liệu bán theo giá quá thấp so với giá trị, khiến cho ngân sách nhà nước phải bù lỗ rất lớn.
b) Vật tư, nguyên liệu cung cấp cho các xí nghiệp phần lớn không phù hợp về chủng loại, quy cách và phẩm chất mà các xí nghiệp cần. Do đó phát sinh tình trạng xí nghiệp này thừa một số loại vật tư mà xí nghiệp khác rất cần và ngược lại các xí nghiệp không chủ động đem trả cho Bộ Vật tư để Bộ phân phối lại cho thích hợp, lại ghìm giữ trong kho hết năm này sang năm khác, làm cho vốn của Nhà nước ứ đọng lâu ngày, không đem ra sử dụng quay vòng nhanh, rất bất lợi cho phát triển sản xuất và hiệu quả kinh tế. Vì vậy, hiện nay khối lượng vật tư đang ứ đọng ở nhiều xí nghiệp khá lớn, trong khi nhiều xí nghiệp khác cần đến lại không có!
Từ đó đã phát sinh nạn tiêu cực sau: Nhiều cơ sở sản xuất đem bán lại các vật tư ứ đọng không dùng đó cho các cơ sở sản xuất khác có nhu cầu với giá cao. Tiền chênh lệch giá trả lại cho Nhà nước không biết được bao nhiêu, còn chạy vào túi một số cá nhân bất chính bao nhiêu?
Vật tư, nguyên liệu được mua đi, bán lại lòng vòng cũng gây ra việc tăng giá không hợp lý và phi pháp.
Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương phải kinh doanh vật tư và phải xây dựng kế hoạch từ cơ sở. Mỗi xí nghiệp phải nêu rõ, trong năm tới, xí nghiệp mình phải sản xuất mặt hàng gì, số lượng bao nhiêu, do đó cần loại vật tư gì và bao nhiêu. Căn cứ vào đó, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước các cấp và các ngành có liên quan đặt mua ở thị trường trong nước và ngoài nước đúng với yêu cầu của cơ sở và bán theo giá kinh doanh. Có làm đúng như vậy mới tránh được những bất hợp lý và tiêu cực đã nói trên.
Đối với nông nghiệp, Nhà nước vẫn dùng phương thức hợp đồng trao đổi vật tư, nguyên liệu lấy lúa gạo và các nông sản khác với nông dân tập thể và cá thể một cách sòng phẳng. Số nông sản còn lại thì mua bằng tiền theo giá thỏa thuận. Đây là biện pháp kinh doanh bình đẳng với nông dân, bảo đảm cho nông dân sản xuất lương thực bình quân thu lãi từ 40% trở lên, tạo cho nông dân hăng hái sản xuất lương thực, thực phẩm ngày càng nhiều cho xã hội.
Rất mong các chủ trương mới nói trên được thực hiện nghiêm chỉnh và mau lẹ, rút ra được những kinh nghiệm tốt để hoàn thiện không ngừng.
N.V.L.
---------------
Báo Nhân Dân, số 12378, ngày 3/6/1988.