Khoa học

Tối nay (5/5), người dân Việt Nam sẽ được quan sát "nguyệt thực nửa tối"

PV 05/05/2023 13:00

Đêm 5 và rạng sáng ngày 6/5/2023, người yêu thiên văn tại Việt Nam sẽ có cơ hội quan sát "nguyệt thực nửa tối", một hiện tượng quang học đáng chú ý trong năm 2023.

Theo tính toán của trang Date and Time, tại Việt Nam, "nguyệt thực nửa tối" sẽ bắt đầu lúc 22 giờ 14 phút đêm 5/5, đạt cực đại lúc 0 giờ 22 phút rạng sáng 6/5 và kết thúc lúc 2 giờ 31 phút.

Như vậy toàn bộ lãnh thổ Việt Nam nằm trong khu vực quan sát nguyệt thực trọn vẹn, do thời điểm bắt đầu và kết thúc đều là ban đêm. Người dân Việt Nam sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn thú vị này trong khoảng hơn 4 tiếng. Có 57% người Trái Đất cùng nhận được may mắn này.

Khác với nguyệt thực thông thường, khi xảy ra hiện tượng "nguyệt thực nửa tối", chiếc bóng của chính Trái Đất sẽ không khiến cư dân sống ở mặt đang tối của nó thấy Mặt Trăng chuyển đỏ như nguyệt thực toàn phần, mà chuyển thành một màu hơi xám, giống như bị phủ tấm voan đen mỏng hay còn được gọi là Mặt Trăng "che mạng đen".

Nguyệt thực nửa tối xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng bên ngoài sáng hơn của bóng Trái Đất, gọi là vùng nửa tối (penumbra). Đây là khu vực mà Trái Đất trông như che khuất một phần đĩa Mặt Trời, không phải toàn bộ. Khi ở trong vùng nửa tối, Mặt Trăng nhận được ít ánh sáng hơn từ Mặt Trời. Với những người quan sát từ Trái Đất, Mặt Trăng trông tối đi nhưng không biến mất hoàn toàn.

Tối nay (5/5), người dân Việt Nam sẽ được quan sát nguyệt thực nửa tối - Ảnh 1.

Trao đổi với báo chí, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam cho biết, để quan sát nguyệt thực nửa tối rõ nhất tùy thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết. Bạn sẽ dễ dàng xác định được Mặt Trăng nếu trời ít mây, ít mù, không mưa.

Tại những khu vực quá ô nhiễm hoặc có một lớp mây mỏng che phủ, ngay cả khi nhìn thấy Mặt Trăng bạn sẽ khó nhận ra sự khác biệt rõ rệt. Ngoài ra, hãy chọn những nơi vị trí quan sát có góc nhìn rộng, vùng bầu trời lớn, ít ô nhiễm, ít ánh đèn nhân tạo chiếu thẳng vào mắt.

Theo ông Sơn, khác với nhật thực, nguyệt thực hoàn toàn vô hại cho mắt nên bạn có thể quan sát bằng mắt thường. Tất nhiên, một chiếc kính thiên văn hoặc ống nhòm nhỏ sẽ hỗ trợ tốt hơn cho việc quan sát của bạn. Và cuối cùng, đừng quên quan sát trước tình hình thời tiết cũng như bảo đảm an toàn cho chính bạn nếu quan sát bên ngoài vào lúc nửa đêm.

PV