Những việc cần làm ngay (bài 16)
Tôi nhận được thư của một bạn đọc, trong thư có đoạn viết: “Chúng tôi đang công tác tại một nước nhỏ. Ở đây bộ phận thường trú của Đài Phát thanh và Truyền hình Việt Nam có bốn người, theo lệ đã định được sắm một ôtô Toyota 7.500 đôla Mỹ, một Honda 850 đôla. Cơ quan Thông tấn xã thường trú có sáu người cũng được sắm như thế. Cơ quan thường vụ hai người cũng một Toyota. Đại diện hàng không hai người cũng thế. Còn cơ quan đại diện Ủy ban Hợp tác kinh tế thì phải nhiều hơn. Sứ quán lại phải nhiều hơn nữa.
Đọc tin chúng tôi thấy cả năm 1985 toàn huyện Nho Quan (Hà Nam Ninh) tập trung tạo trồng được, xuất khẩu toàn bộ chỉ được tám nghìn đôla.
Đi xe Nhật có radio casset, có điều hòa nóng lạnh, gọn nhẹ, hình dáng đẹp. Nhưng cứ nghĩ mình đã tiêu hết cả một năm xuất khẩu lạc của một huyện thì lại thấy lương tâm áy náy.
Chỉ ở một thủ đô nhỏ mà ta đã xài hơn mười xe Toyota, mỗi chiếc từ 7.500 tới 11 nghìn đôla (chưa kể nhiều xe khác loại nữa). Nước ta có bao nhiêu sứ quán và cơ quan ở nước ngoài? Một năm ta xuất khẩu thu được bao nhiêu đôla và tiêu tốn mất đi bao nhiêu? Đây là một sự thật nhức nhối.
Tại sao phương tiện công tác của chúng ta không thể là xe Lađa của Liên Xô chẳng hạn, để đỡ đôla cho Nhà nước? Đâu phải vì thế mà uy tín ta bị sút giảm”.
Tình hình như vậy không chỉ có ở nước ngoài. Hiện nay khắp các tỉnh, thành cả nước, trong khi các xe hơi cũ dùng còn tốt hoặc có thể mua xe Liên Xô cho rẻ, nhiều cơ quan, thủ trưởng vẫn đang sắm các kiểu xe con đời mới của Nhật, thậm chí cả Pơgiô 505 để đi lại.
Có lẽ điều này phải làm tất cả chúng ta đều áy náy.
N.V.L.
----------
Báo Nhân Dân, số 12084, ngày 11/8/1987.