Gần 4000 ca mắc COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện; 7 F0 tử vong
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 17:26, 01/05/2023
Hai ngày nghỉ lễ hơn 3000 người phải nhập viện vì tai nạn giao thông
Chiều 1/5, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tổng hợp tình hình khám chữa bệnh, cấp cứu từ các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, 63 Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Y tế ngành cho thấy, sau hai ngày nghỉ lễ (từ 7 giờ ngày 29/4 - 7 giờ ngày 1/5), tổng số có 3.190 người được đưa đến các cơ sở y tế khám do tai nạn giao thông.
Trong đó, 3.011 trường hợp tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị, theo dõi; 701 người bệnh người chuyển viện. 1.086 người bệnh tai nạn giao thông được đều trị và ra viện.
Cũng trong hai ngày này, 34 người tử vong do tai nạn giao thông (bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh, tiên lượng tử vong xin về).
Trong đó, 8 người tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, 22 người tử vong trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh và 4 trường hợp tiên lượng tử vong xin về.
Tính đến 7 giờ ngày 1/5, các cơ sở y tế trên cả nước có 187.047 người bệnh đang điều trị. Sau 2 ngày nghỉ lễ, tổng số 110.443 người khám, cấp cứu; 45.038 người nhập viện điều trị nội trú. 30.673 người được ra viện.
786 người bệnh tử vong trong hai ngày nghỉ (bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh và tiên lượng tử vong xin về).
Tính đến sáng 1/5, tổng số 3.937 người mắc COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Trong 2 ngày nghỉ lễ, 1.168 người mắc COVID-19 nhập viện điều trị nội trú; 698 người được ra viện và 7 người tử vong do COVID-19.
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch trước, trong và sau dịp nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 -1/5/2023, không để dịch bùng phát, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Các địa phương cần tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện tốt thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác, đặc biệt tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng, nhà ga, bến xe, chợ, tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người./.