Liên hợp quốc đặc biệt lo ngại về tình hình nhân đạo ở Sudan
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:30, 01/05/2023
Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric ngày 30/4 cho biết tổ chức toàn cầu này “hết sức lo ngại về những tác động trước mắt và lâu dài” mà cuộc xung đột vũ trang hiện nay ở Sudan gây ra “đối với toàn thể nhân dân Sudan và toàn bộ khu vực”.
Theo ông Dujarric, Liên hợp quốc một lần nữa kêu gọi tất cả các bên đối địch ở Sudan bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sơ tán khỏi các khu vực giao tranh, cũng như đảm bảo an toàn cho các công tác cứu trợ và chăm sóc y tế.
Cũng theo người phát ngôn trên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cùng ngày đã quyết định “ngay lập tức” cử Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths tới khu vực để đối phó với “cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xấu đi một cách nhanh chóng ở Sudan.”
Cũng trong ngày 30/4, Bộ Y tế Sudan thông báo xác nhận cuộc xung đột ở quốc gia Đông Bắc Phi đã khiến ít nhất 528 người thiệt mạng, khoảng 4.600 người khác bị thương, song con số này vẫn chưa phải là cuối cùng.
Giao tranh đã ảnh hưởng đến 12 trong số 18 bang của Sudan, trong đó có khu vực Dafur.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc cảnh báo xung đột có thể đẩy thêm hàng triệu người rơi vào nạn đói ở Sudan - nơi có tới 15 triệu người đang cần hỗ trợ để vượt qua nạn đói.
Canada ngừng chiến dịch sơ tán công dân qua đường hàng không
Chính phủ Canada ngày 30/4 thông báo các chuyến bay sơ tán công dân nước này khỏi Sudan đã chấm dứt do bạo lực tại quốc gia Đông Bắc Phi tiếp tục leo thang và điều kiện an toàn cho các chuyến bay ngày càng trở nên xấu đi.
Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand khẳng định do tình hình nguy hiểm và cũng phù hợp với quyết định của các đồng minh nên Ottawa sẽ không lên kế hoạch thực hiện thêm bất kỳ chuyến bay nào từ Sân bay Wadi Seidna - một địa điểm gần thủ đô Khartoum của Sudan.
Chính phủ Canada khuyến cáo các công dân nước này muốn rời khỏi Sudan bằng đường bộ nên cân nhắc đi qua Cảng Sudan - nơi có thể có các lựa chọn thương mại - và họ nên tránh xa Sân bay Wadi Seidna do tình hình an ninh ngày càng xấu đi.
Hiện tại, vẫn còn khoảng 230 người Canada bị mắc kẹt tại Sudan và đang tìm kiếm sự hỗ trợ thông qua Bộ Các vấn đề Toàn cầu, cơ quan quản lý công tác lãnh sự và quan hệ đối ngoại của quốc gia Bắc Mỹ này.
Theo Bộ trưởng Anand, Canada bắt đầu thực hiện sơ tán công dân từ hôm 27/4 và kể từ đó tới nay, nước này đã thực hiện được sáu chuyến bay, với hai chuyến gần nhất diễn ra trong ngày 29/4 vận chuyển được 550 người.
Bên cạnh đó, khoảng 400 công dân và thường trú nhân Canada đã được sơ tán trên nhiều chuyến bay của Canada và các quốc gia đồng minh.
Chính phủ Canada hiện đang phối hợp với các đồng minh để lên phương án di chuyển thay thế, trong đó có lựa chọn sơ tán qua Cảng Sudan.
Mỹ, Anh tiếp tục sơ tán công dân
Cũng trong ngày 30/4, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo chính phủ nước này và các đối tác đa quốc gia đã hỗ trợ sơ tán gần 1.000 công dân Mỹ khỏi Sudan kể từ khi bạo lực bùng phát tại đất nước Đông Bắc Phi.
Giữa lúc đó, đoàn hộ tống thứ hai của chính phủ Mỹ cũng đã tới Cảng Sudan trong cùng ngày.
Theo người phát ngôn Matthew Miller của bộ trên, các công dân Mỹ và những người khác đủ điều kiện được sơ tán sẽ tiếp tục hành trình tới Saudi Arabia, nơi có đội ngũ nhân viên được điều động để hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động di chuyển khẩn cấp.
Trong khi đó, chính phủ Anh cùng ngày thông báo đã sắp xếp thêm một chuyến bay sơ tán từ Cảng Sudan. Theo kế hoạch, chuyến bay này sẽ khởi hành trong ngày 1/5.
Đến nay, Anh đã sơ tán tổng cộng 2.122 công dân khỏi Sudan./.