Chính trị

Chiến dịch Tây Nguyên tạo đà cho đại thắng Mùa Xuân 1975

Bình Minh 30/04/2023 08:42

Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên đã tạo ra sự thay đổi căn bản về so sánh lực lượng và thế chiến lược có lợi cho ta trên các chiến trường. Đây là cơ sở để Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975.

110819chien-dich-tay-nguyen.jpg
Xe tăng 980 của Trung đoàn Tăng - Thiết giáp 273, Mặt trận Tây Nguyên bắn sập và húc đổ cổng sắt Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 ngụy (ảnh tư liệu)

 Sự lãnh đạo tài tình của Đảng 

Tháng 10/1974, Bộ Chính trị xác định nhiệm vụ cấp bách lúc này là: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng... Ngay từ giờ, phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ nhất để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và thắng triệt để trong hai năm 1975-1976”.

        Đầu tháng 1/1975, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương họp, hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm (1975-1976) và nếu có thời cơ thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định chọn Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu, đánh Buôn Ma Thuột là trận mở đầu, then chốt. Đó là quyết định đúng đắn, sáng suốt. 

        Để thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định tăng cường cho Tây Nguyên một số lượng lớn về lực lượng, vũ khí, trang bị. Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên đã tiến hành công tác chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, chu đáo; các đơn vị được lệnh tuyệt đối giữ bí mật, không để địch phát hiện ý định chiến dịch và lực lượng ta trên hướng tác chiến chủ yếu (Buôn Ma Thuột); tích cực hoạt động nghi binh làm lạc hướng chú ý của địch ở Trị-Thiên và Bắc Tây Nguyên. Cụ thể, váo ngày 4/3/1975, ta bắt đầu hoạt động cắt Đường số 19, đánh một số mục tiêu ở Pleiku để nghi binh, tạo thế chiến dịch.

110825bmt_a_bai_1_20220227091900_20220304094058(1).jpg
Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột được đặt trang trọng giữa trung tâm TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk hiện nay.

Tiến công thần tốc

       Sau khi đã hoàn thành việc “bày binh bố trận”, ngày 10/3/1975, ta nổ súng tiến công, đánh đòn "điểm huyệt" Buôn Ma Thuột. Trong ngày 10/3, Sư đoàn 316, Trung đoàn 95b, Trung đoàn 198 đặc công đồng loạt mở 5 mũi tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Đây là trận đánh then chốt chủ yếu. Sau hơn một ngày chiến đấu quyết liệt, trưa 11/3, ta giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột.

       Từ 14 đến 18/3, Sư đoàn 10, Trung đoàn 25 tiến công lực lượng địch đổ bộ trực thăng trên đường 21, Đông Bắc thị xã Buôn Ma Thuột, tiêu diệt Sư đoàn 23 và Liên đoàn biệt động quân 21, đập tan ý đồ phản kích của địch.

       Bị thất bại nhanh chóng và nặng nề, trước tình huống không còn lực lượng cơ động ứng cứu, ngụy quyền Sài Gòn buộc phải ra lệnh rút bỏ Bắc Tây Nguyên để bảo toàn lực lượng còn lại của Quân đoàn 2. Khoét sâu sai lầm của địch, ta tung Sư đoàn 320 vào truy kích, tập kích tập đoàn địch rút chạy trên đường 7, từ 17 đến 23/3, tiêu diệt hầu hết lực lượng này gồm 1 trung đoàn bộ binh, 5 liên đoàn biệt động quân, 3 thiết đoàn và các đơn vị khác, giải phóng Cheo Reo, Củng Sơn.

        Từ 18 đến 24/3, Sư đoàn 968, Trung đoàn 95a, và Trung đoàn 271 tiến vào giải phóng các thị xã Kon Tum, Plâyku, Gia Nghĩa.

       Đến ngày 24/3/1975, chiến dịch Tây Nguyên đã giành thắng lợi hoàn toàn. Quân, dân miền Nam đánh bại cuộc phản kích của Sư đoàn 23 Việt Nam cộng hòa, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng rút chạy trên đường số 7, tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2, Quân khu II, giải phóng Tây Nguyên, nhanh chóng phát triển xuống các tỉnh ven biển miền Trung.

        Tạo bước ngoặt cho chiến trường miền Nam

       Những thắng lợi to lớn trong chiến dịch Tây Nguyên là cơ sở để Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975. Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên đã tạo ra sự thay đổi căn bản về so sánh lực lượng và thế chiến lược có lợi cho ta, còn địch bị động, bị suy sụp và tan rã về chiến lược, dẫn đến co cụm và bị động đối phó trên các chiến trường. Quan trọng hơn là Chiến dịch Tây Nguyên đã tạo đà cho đại thắng Mùa Xuân 1975.

       Với thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, giải phóng địa bàn có ý nghĩa chiến lược, làm rung động toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch ở phía Bắc, phá vỡ và cắt đôi thế bố trí chiến lược của địch, làm cho quân địch phải co cụm và bị động đối phó trên các chiến trường, mở ra thời cơ của cuộc tổng tiến công chiến lược. Chiến thắng Tây Nguyên đã đẩy đối phương vào thế bị động, lúng túng, tác động đến tinh thần binh sĩ địch trên khắp chiến trường; cổ vũ, động viên mạnh mẽ tinh thần và khí thế tiến công của quân, dân ta ở tiền tuyến và hậu phương, củng cố quyết tâm chiến đấu và lòng tin của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vào thắng lợi cuối cùng.

       Chiến dịch Tây Nguyên không chỉ là sự chỉ đạo đánh hiệp đồng quân binh chủng, phối hợp giữa 3 thứ quân, mà còn là sự chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Đảng về phát huy vai trò của Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên tham gia chiến dịch.

       Trong chiến dịch này, Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên không chỉ chủ động tham gia mở đường, vận tải phục vụ các đơn vị chủ lực và các hoạt động nghi binh lừa địch mà còn phối hợp với các đơn vị chủ lực hoạt động tác chiến trong truy quét tàn quân địch, nổi dậy phá “ấp chiến lược”, lật đổ chính quyền địch; tham gia giữ gìn, bảo vệ thành quả cách mạng. Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên là dấu ấn đậm nét trong dòng chảy lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, đặc biệt là đối với sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.

       Phát huy tinh thần của Chiến dịch Tây Nguyên

        Phát huy khí thế cách mạng hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử, chiến thắng của Chiến dịch Tây Nguyên, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên luôn đoàn kết thống nhất, chung sức chung lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vững bước tiến lên.

      Tất cả đều hướng tới mục tiêu là nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân, xây dựng con người Tây Nguyên “Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, mến khách”. Tây nguyên đang phát triển văn hóa hài hòa, ngang tầm với phát triển kinh tế-xã hội, bảo tồn phát huy hiệu quả các di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch mới, đặc thù. Công tác xoá đói, giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội được các tỉnh chỉ đạo quyết liệt và thực hiện có hiệu quả. Việc tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên, hiệu quả.

      Kỷ niệm 48 năm chiến thắng của chiến dịch Tây Nguyên, chúng ta mãi tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc; càng thêm tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Tây Nguyên tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết; chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ của các tỉnh, xây dựng Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế và đến năm 2045 phát triển Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.

Bình Minh