Văn học - Nghệ thuật

Men rừng, cà đắng thắng được khỉ

Trích tập truyện cổ M’nông 28/04/2023 16:39

Người M’nông kể rằng, từ thuở xưa, người và thú còn nói được tiếng với nhau. Con người làm rẫy, chặt cây bằng đá nhọn, chưa biết đến sắt, gang, đồng, cồng, chiêng nhưng họ vẫn làm rẫy trỉa lúa, trồng ngô khoai, bầu bí. Các loài thú, chim muông thường phá hoại mùa màng, trong đó nguy hại nhất là loài khỉ. Họ khỉ không chừa bất cứ thứ gì mà con người trồng trên nương rẫy. Thậm chí, khỉ còn đánh lại người, dỡ nhà, đốt chòi; phá phách xong lại còn trêu ghẹo con người.

Có một gia đình nọ cũng khá đông con. Cả gia đình cùng nhau phát rẫy làm nương dưới chân núi. Rẫy của họ rộng đến nỗi gọi nhau không nghe thấy, đi từ đầu này sang đầu kia, bước đến mỏi chân cũng không đi hết. Đàn khỉ kéo đến phá hoa màu trên rẫy, cả nhà lo đuổi đàn khỉ; đuổi bên trái chúng lại chạy sang bên phải, đuổi bên trên đàn khỉ lại chạy xuống bên dưới, đuổi nó đi xa đằng trước, đằng sau nó lại tới gần. Họ đuổi đánh thì khỉ lại chạy, họ la hét, bầy khỉ cũng la hét theo, khỉ cũng chửi lại người. Cả gia đình đuổi khỉ từ sáng tới chiều, bỏ cả cơm trưa mà lo đuổi bầy khỉ. Đến chập choạng tối không thấy đường, bầy khỉ mới kéo nhau vào rừng.

Cả gia đình ai cũng mệt mỏi, đói khát và bực bội. Đến tối, ăn cơm xong, người cha bàn kế với con ngăn khỉ phá hoại mùa màng. Người cha nói:

- Các con ơi! Ngày mai ta đi làm bẫy xung quanh rẫy để bắt bọn khỉ.

Hôm sau, ai cũng hớn hở đi làm bẫy. Họ đặt bẫy xung quanh rẫy, dưới đất, đặt cả trên cành cây. Họ vót chông và cắm từ bìa rừng đến mé rẫy, cắm xung quanh rẫy, chông nhiều đến nỗi con cheo, con chồn không chui qua được.

Hôm sau nữa, họ lại làm bẫy hố. Họ đào hàng chục, hàng trăm cái hố sập, ở dưới có cắm chông.

Hai ba hôm sau, đàn khỉ lại đến. Bầy thì đi trên cây, bầy thì đi dưới đất. Con nhỏ, con nhít đi trước, con lớn, con già đi sau. Đi đến mép rẫy, con thì dính bẫy vào chân, con thì dính bẫy vào tay, dính con này thì con khác gỡ giùm. Cuối cùng, bẫy cũng chẳng dính được con nào cả.

Bầy khỉ đi tới chỗ cắm chông, thấy một con bị trúng chông, khỉ bèn bẻ cành cây quơ cho chông ngã. Có lối đi rồi, khỉ nhổ hết chông như nhổ cỏ. Bầy khỉ lại đi đến rẫy phá mùa màng. Có con sập hầm dính chông, thấy vậy, khỉ lại hái bí bầu, vác gỗ mục, cục đá thả xuống hố làm chông gãy hết, rồi tiếp tục ăn phá. Cả gia đình cố la hét xua đuổi khàn cả giọng, bắn tên cung trúng con này thì con kia rút ra giùm, chúng bẻ gãy cả tên vứt đi. Khỉ ăn phá cho no, cho đã, đến tối lại trở vào rừng sâu.

Cả nhà đành bó tay đứng nhìn chúng xé bắp, ăn lúa, đập bể trái bầu.

Một hôm trong lúc uống rượu say, người cha nói với các con rằng:

- Ngày mai, cả nhà ta đi lên rừng, đi lấy cây dong (cây men rừng), cây rmuanl (cây cà đắng) về thật nhiều, lấy hết những loài cây mà người M’nông hay dùng để làm men rượu.

Hôm sau, cả gia đình kéo nhau đi lấy cây men rừng về. Họ lấy đậu, lấy bắp nấu men, nấu cơm nếp, cơm tẻ nấu cùng với cây men rừng. Họ chuẩn bị sẵn thịt gà, thịt heo, cột nhiều ché rượu cần thật ngon, rót sẵn đầy ché, đầy bầu, hèm rượu cần để vào trái bầu khô xung quanh rẫy, khoai bắp buộc sẵn với cây men để trong rổ, trong nia. Trong chòi, họ cột sẵn năm ba ché rượu, thịt gà, thịt heo bày sẵn như là ăn mừng cúng lúa. Cả nhà nhờ bà con trong bon giúp và chuẩn bị dây mây, dây thừng, cà hắc, cà độc.

Hôm sau, cả bầy khỉ lại đến rẫy ăn phá, thấy cả rẫy vắng tanh không có ai, cũng không mắc bẫy, không trúng chông, không sập hầm, cả bầy khỉ càng mừng. Chúng kéo nhau tới mé rẫy thấy khoai luộc sẵn cũng ăn, thấy hèm rượu bày sẵn cũng ăn, ăn hết trong rẫy rồi bầy khỉ kéo nhau vào chòi. Thấy thịt gà, thịt heo, cơm nếp, khỉ cũng ăn hết. Ăn xong, khỉ giành nhau uống rượu, uống cạn nước trong ché. Khỉ xô ché bể, thấy bên trong có hèm khỉ ăn luôn. Khỉ càng ăn, càng thấy ngon, ăn càng ngon càng say, càng say khỉ càng ăn, ăn hết cả hèm rượu, ăn hết cả ngô khoai, cơm nếp. Men ngấm làm khỉ say và buồn ngủ. Chúng ngủ lăn lóc đầy chòi, ngủ đầy dưới cây trong rẫy, ôm gốc cây tưởng là đồng bọn, ôm trái bí, trái bầu tưởng là người thân. Khỉ say quá quên cả rủ nhau về rừng.

Trời chập choạng tối, dân làng đã canh sẵn cùng nhau kéo tới. Người cầm gậy, người dùng dây bắt trói khỉ thành chùm năm, chùm bảy, trói đầy gốc cây, đầy tảng đá, trói chật cả cột nhà, trói không sót con nào. Họ trói chúng ba ngày bốn đêm, ngày thì cho phơi nắng, đêm thì họ đốt lửa, đốt đuốc hơ và soi vào mặt. Khỉ đói, khỉ rên đòi ăn. Dân làng nướng trái cà đắng thật nóng, cho khỉ ăn, khỉ thấy vừa nóng vừa đắng, sợ đến nỗi nhăn cả trán, đỏ cả mặt.

Trả thù được khỉ phá hoại mùa màng của mình, cả gia đình và dân làng ăn mừng. Họ ăn heo, ăn gà, uống rượu ba ngày ba đêm, ăn thêm thịt khỉ. Họ ăn không sót một con.

Các con khỉ may mắn chạy thoát giấu mình trong lùm cây, bên mé rẫy, xót thương đồng bọn bị chết dần từng ngày, bị người bắt ăn thịt nên khỉ buồn không chịu nổi. Chúng khóc bao ngày đêm, đỏ cả mặt, nhăn cả trán, ngồi trên cây lâu quá không dám xuống đất nên chai cả mông, lại ăn trúng cà đắng khó chịu quá phải khạc nhổ nên rỗng cả cuống họng và không nói được.

Từ đó, khỉ không biết nói như người và người ăn cả thịt khỉ cho đến ngày nay. Mỗi khi nghe bài chiêng đánh từ đàn tre, nứa thì khỉ không dám đến gần rẫy. Bài hát “Đổi khỉ ăn lúa” vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay.

Trích tập truyện cổ M’nông