Quốc phòng - An ninh

Quan tâm tới chiến sĩ là người dân tộc thiểu số

Thanh Hằng 03/05/2023 05:00

Tiểu đoàn 301, Trung đoàn Bộ binh 994, Bộ CHQS tỉnh hiện có khoảng 25% chiến sĩ là người dân tộc thiểu số (DTTS). Để chiến sĩ tự tin hòa nhập, trưởng thành, các cấp chỉ huy đã tận tình hướng dẫn trong quá trình huấn luyện, đồng thời phát huy tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong toàn lực lượng.

Xa nhà được gần 3 tháng, đến nay chiến sĩ Điểu Khuyn đã không còn cảm giác bỡ ngỡ, lạ lẫm và e dè như những ngày đầu nhập ngũ.

Hàng ngày, sau những giờ tập luyện, Điểu Khuyn cùng bạn bè tham gia các hoạt động thể thao hoặc chăm sóc vườn rau xanh của đơn vị, từ đó giúp anh hòa nhập, gắn bó với đồng đội.

hinh-tieu-doan-301_2(1).jpg
Tiểu đoàn 301 hiện có khoảng 25% chiến sĩ là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Khuyn cho biết, khi mới đến đơn vị, tất cả đồng đội trong phòng đều là người lạ nên mọi người ngại tiếp xúc, giao tiếp với nhau. Thông qua những buổi sinh hoạt chung, những giờ giải lao trên thao trường, đặc biệt là sau những cuộc thi đấu thể thao, Khuyn và các đồng đội đã cởi mở, thân thiết hơn. Đến nay, các thành viên trong tiểu đội đoàn kết như anh em trong gia đình, tận tình hỗ trợ nhau trong lúc tập luyện và sinh hoạt hàng ngày.

“Sống trong môi trường tập thể, với ý thức kỷ luật cao nên bản thân tôi cũng cố gắng học hỏi các đồng đội khác để hoàn thiện bản thân. Trong quá trình huấn luyện, nếu có điều gì không hiểu, tôi sẽ hỏi thêm chỉ huy hoặc đồng đội, điều này giúp tôi tự tin và theo kịp tiến độ chương trình huấn luyện”, Điểu Khuyn cho hay.

hinh-tieu-doan-301_-1(1).jpg
Chỉ huy đơn vị hướng dẫn tận tình cho các chiến sĩ trong việc thực hiện động tác tháo lắp súng.

Tương tự, do hoàn cảnh khó khăn nên trước đây Điểu Quý mới học hết lớp 7. Bản thân Quý tự nhận thấy vốn tiếng Việt còn ít, ảnh hưởng tới khả năng giao tiếp với bạn bè và thực hiện nhiệm vụ. Chính vì thế, sau mỗi giờ luyện tập, Quý thường tự đọc sách, báo trong đơn vị.

Quý chia sẻ, quá trình đọc sách, báo hoặc truyện, nhiều từ ngữ khó hiểu, Quý thường nhờ các đồng đội, nhất là những chiến sĩ đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học giải thích giúp. 

“Tôi hiểu rằng nếu mình không cố gắng thì mình sẽ bị thụt lùi và ảnh hưởng tới tập thể. Tôi nhận được sự quan tâm của chỉ huy các cấp, sự đồng hành, giúp đỡ của đồng đội nên bản thân đã trưởng thành hơn rất nhiều so với ngày đầu mới vào đơn vị. Giờ tôi đã tự tin, mạnh dạn, vượt qua sự e ngại để nói về bản thân và cởi mở với đồng đội trong đơn vị”, Quý chia sẻ.

Quan tâm tới chiến sĩ là người đồng bào dân tộc thiểu số (Clip: D.P).

Là người trực tiếp huấn luyện cho chiến sĩ, Trung úy Trần Hoàng Lâm, Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 9, Tiểu đoàn 301 cho hay, những ngày đầu tiếp xúc với những nội dung kỹ thuật, các chiến sĩ người DTTS hoặc chiến sĩ có trình độ văn hóa thấp thường bắt nhịp chậm hơn so với các chiến sĩ khác. Biết được khó khăn đó, cán bộ tại đơn vị đã bố trí thời gian trong giờ nghỉ, ngày nghỉ để huấn luyện và hướng dẫn thêm.

hinh-tieu-doan-301_3(1).jpg
Trong quá trình huấn luyện, Tiểu đoàn 301 phát huy tinh thần hỗ trợ trong toàn lực lượng.

Tiểu đoàn 301 hiện có khoảng 25% chiến sĩ là người đồng bào DTTS đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong số này, có nhiều chiến sĩ mới tốt nghiệp tiểu học, một số chiến sĩ khác có trình độ học vấn cao hơn, tuy nhiên do trước đây ít giao tiếp nên vốn tiếng Việt ít, khả năng viết, diễn đạt còn hạn chế.

Xác định đây là những đối tượng cần quan tâm đặc biệt, nên trong quá trình huấn luyện, Tiểu đoàn 301 đã có những phương án hỗ trợ, hướng dẫn cho số chiến sĩ này.

“Bên cạnh nắm bắt tâm lý, hoàn cảnh từng chiến sĩ mới để sớm có biện pháp hỗ trợ, chúng tôi cũng thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng quản lý, huấn luyện bộ đội. Công tác huấn luyện không chỉ lại ở việc cầm tay, chỉ việc mà việc giảng dạy còn được triển khai bằng nhiều hình thức trực quan, sinh động, giúp chiến sĩ tiếp thu tốt nhất và hiệu quả nhất”, Trung tá Đặng Hồng Long, Chính trị viên Tiểu đoàn 301 cho biết thêm.

Thanh Hằng