Đắk Nông chăm lo cho giáo viên an cư ở vùng khó khăn
Thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông đã có nhiều hoạt động nhằm quan tâm, chăm lo tới đời sống cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Những món quà, sự động viên kịp thời, không chỉ giúp thầy cô giáo yên tâm đứng lớp mà còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái, ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Ý nghĩa mái ấm công đoàn
Hai năm trước, cô Lê Thị Kiều Oanh, Trường mầm non Hướng Dương, xã Đắk Som (Đắk Glong) được Liên đoàn Lao động huyện Đắk Glong hỗ trợ 50 triệu đồng. Từ nguồn hỗ trợ này và số tiền tích góp được sau nhiều năm, gia đình chị Oanh đã xây được một căn nhà rộng khoảng 100m2 với đầy đủ phòng khách, phòng ngủ và công trình phụ.
Cô Oanh chia sẻ, hai vợ chồng đều công tác trong ngành Giáo dục, trong đó chồng chị là giáo viên của Trường THCS Phan Chu Trinh. Vì hoàn cảnh khó khăn, người con trai đầu của anh chị phải gửi về quê nội để nhờ chăm sóc. Năm 2017, sau trận hỏa hoạn, căn nhà gỗ của gia đình bị thiêu rụi, vợ chồng cô Oanh phải chuyển vào ở nhờ nhà công vụ của trường học.
“Thời gian đầu sau khi căn nhà cũ bị cháy, cuộc sống gia đình cũng rất khó khăn, bất tiện. Năm 2020, nhờ sự quan tâm của công đoàn các cấp, đặc biệt là Công đoàn ngành Giáo dục, gia đình tôi được hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng nhà riêng. Sự hỗ trợ rất ý nghĩa, là món quà động viên đối với vợ chồng tôi yên tâm gắn bó với công việc”, cô Oanh cho hay.
Tương tự, đầu năm 2023, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Đắk Som) cũng chuyển về sống trong căn nhà mới nhờ số tiền hỗ trợ từ Quỹ Mái ấm công đoàn. Căn nhà với diện tích khoảng 70m2 là tổ ấm riêng của vợ chồng cô Hà sau nhiều năm đi ở trọ, tạo động lực để cô giáo trẻ tiếp tục cống hiến với nghề.
Nữ giáo viên cho biết, năm 2019, cô về Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi công tác sau nhiều năm là giáo viên hợp đồng tại các trường học trên địa bàn huyện Đắk Glong. Không có họ hàng, người thân bên cạnh, vợ chồng cô Hà nỗ lực, tích góp được một số tiền để mua được miếng đất nhỏ nhưng chưa có kinh phí để xây nhà. Được Công đoàn cơ sở Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đề xuất, Liên đoàn Lao động huyện Đắk Glong đã hỗ trợ gia đình cô Hà 50 triệu đồng để làm nhà.
“Nhận được số tiền hỗ trợ, vợ chồng tôi cũng đi vay thêm họ hàng, ngân hàng một khoản tiền làm nhà. Hiện căn nhà vẫn chưa đầy đủ, hoàn thiện nhưng cũng từng bước hoàn thành ước mơ nhiều năm qua của hai vợ chồng", cô Hà nói.
Đối với những giáo viên trẻ như tôi, nhận được sự hỗ trợ này sẽ là động lực để tôi tiếp tục gắn bó với nghề, gắn bó với những học sinh ở ngôi trường còn nhiều khó khăn này”
Cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Đắk Som)
Chung tay hỗ trợ người khó khăn
Ngoài Quỹ Mái ấm công đoàn, công đoàn các cơ sở giáo dục còn thường xuyên nắm bắt hoàn cảnh thầy cô giáo, người lao động khó khăn để sớm có các hoạt động hỗ trợ, động viên kịp thời. Những phần quà có thể rất nhỏ về giá trị vật chất nhưng đã động viên các thầy, cô giáo, người lao động cố gắng khắc phục khó khăn, tâm huyết với nghề, tiếp tục là những tấm gương sáng về nghị lực, ý chí vươn lên cho các thế hệ học sinh noi theo.
Công tác tại Trường tiểu học Kim Đồng, xã Quảng Khê (Đắk Glong) được gần 10 năm, giáo viên và nhiều thế hệ học sinh trong trường đều biết về hoàn cảnh khó khăn của cô Lê Thị Kim Loan, nhân viên y tế trường học.
3 năm trước, khi đang mang thai người con thứ hai, vì lo nghĩ nhiều nên chị Loan sinh non khi con mới 32 tuần tuổi. Cũng vì thế, cháu Nhữ Lê Thiện Nhân (con trai cô Loan) bị di chứng của bệnh vàng da, ảnh hưởng tới thần kinh trung ương. Càng lớn, di chứng của bệnh càng biểu hiện cùng với sự phát triển của đứa trẻ. Mỗi lần thay đổi thời tiết, Nhân lại lên cơn co giật, chân tay căng cứng. Vợ chồng cô Loan phải chạy vạy, vay mượn nhiều nơi để có tiền đưa con đi vật lý trị liệu hàng tháng.
Từ ngày con bị bệnh, biết hoàn cảnh cô Loan khó khăn nên Trường tiểu học Kim Đồng đã tạo điều kiện để nữ nhân viên y tế đưa con đến nơi làm việc để tiện chăm sóc. Ngoài ra, nhà trường cũng kết nối, kêu gọi các nhà hảo tâm, hỗ trợ kinh phí để cô Loan đưa con đi điều trị bệnh. Nhờ đó, sức khỏe của cháu Nhân đã được cải thiện đáng kể. Cháu đã tập đi những bước đi đầu tiên sau nhiều năm nằm liệt giường.
“Thực sự trong những lúc khó khăn như thế này, nhất là thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, chồng tôi phải nghỉ việc để ở nhà chăm sóc các cháu, công đoàn trường đã giúp đỡ tôi rất nhiều.
Cô Lê Thị Kim Loan, Trường tiểu học Kim Đồng, xã Quảng Khê.
"Thông qua sự kết nối của nhà trường, vợ chồng tôi không chỉ có kinh phí đưa cháu đi điều trị mà còn có tiền để dựng tạm một căn nhà. Dù mới chỉ là nhà tạm nhưng cũng là mái ấm riêng, các cháu nhỏ cũng có nơi để nghỉ ngơi, điều trị mỗi ngày", cô Loan xúc động tâm sự.
Cũng giống như Đắk Glong, ngành GD-ĐT huyện Krông Nô đã huy động sự chung tay, đồng hành của các công đoàn cơ sở để giúp đỡ những giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 tới nay, ngành đã vận động được gần 200 triệu đồng, giúp đỡ 3 cô giáo mắc bệnh hiểm nghèo cần chi phí chữa trị.
Thầy Bùi Bá Út, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Nô cho biết, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành khi gặp khó khăn đều được quan tâm, chia sẻ cả về vật chất và tinh thần. Đặc biệt, nhờ sự chung tay, đồng hành của tất cả các công đoàn cơ sở, ngành GD-ĐT huyện đã phát huy được tinh thần đoàn kết và tương thân, tương ái trong tập thể ngành.
Số tiền mà các công đoàn hỗ trợ có lẽ không thấm thoát vào đâu so với chi phí điều trị bệnh, tuy nhiên thông qua chương trình đã thể hiện tình cảm và sự sẻ chia trong toàn bộ ngành, từ đó tiếp thêm nghị lực, niềm tin để các thầy cô yên tâm chữa bệnh, công tác".
Thầy Bùi Bá Út, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Nô nhấn mạnh
Có thể thấy, dù vẫn còn nhiều khó khăn, đời sống sinh hoạt, làm việc của đoàn viên công đoàn ở một số nơi còn thiếu thốn nhưng thời gian qua công đoàn các cấp đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, giáo viên, người lao động. Đây là những món quà ý nghĩa, tạo động lực để các thầy giáo, cô giáo, người lao động yên tâm công tác, tận tâm, trách nhiệm với nghề, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.