Tiếp thu kiến nghị sửa quy định về kinh doanh rượu

Chính sách - Ngày đăng : 06:57, 28/04/2023

Bộ Công Thương ghi nhận góp ý của ông Vũ A. T. và tiếp thu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực sản xuất – kinh doanh rượu, trong đó có Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu.

Tại Điều 3 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP quy định như sau:

"Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau;

2. Sản xuất rượu công nghiệp là hoạt động sản xuất rượu trên dây chuyền máy móc, thiết bị công nghiệp.

3. Sản xuất rượu thủ công là hoạt động sản xuất rượu bằng dụng cụ truyền thống, không sử dụng máy móc, thiết bị công nghiệp".

Theo phản ánh của ông T., khi tình hình công nghệ và khoa học phát triển thì các thiết bị máy móc đã, đang và sẽ được áp dụng vào trong quá trình sản xuất để cải thiện chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, công sức của người lao động, góp phần tăng giá trị thặng dư.

Đây là một tiến trình tất yếu của việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất nói chung và ngành rượu nói riêng.

Cơ sở của ông T. là cơ sở công suất rất nhỏ, hoạt động như cơ sở thực hiện các dự án nghiên cứu công nghệ (áp dụng công nghệ và thiết bị), trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính ông gặp nhiều khó khăn. Nguồn lực của cơ sở (từ vốn đến quy mô kinh doanh sản xuất) chỉ phù hợp với tính chất của việc sản xuất rượu thủ công, nhưng theo Nghị định số 105/2017/NĐ-CP thì được quy vào sản xuất rượu công nghiệp.

Khi công nghệ sản xuất ngày càng tiến bộ thì việc quy định theo định nghĩa như nêu trên hoàn toàn không phù hợp. Theo ông A.T., có thể phân chia theo công suất sản xuất, từ đó mà quy định giấy tờ phù hợp liên quan. Tuy trong sản xuất công nghiệp có chia cụ thể ở mốc 3 triệu lít, nhưng với các cơ sở khởi nghiệp như của ông (công suất rất nhỏ) thì việc chuẩn bị giấy tờ cho sản xuất rượu công nghiệp thực sự chiếm quá nhiều nguồn lực.

Ông T. mong muốn cơ quan chức năng nghiên cứu và theo sát thực tế để có thể thay đổi phù hợp với tình hình sản xuất thực tế.

Bộ Công Thương trả lời vấn đề này như sau:

Theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2020/NĐ-CP), sản xuất rượu công nghiệp và sản xuất rượu thủ công được xác định như sau:

- Sản xuất rượu công nghiệp là hoạt động sản xuất rượu trên dây chuyền máy móc, thiết bị công nghiệp.

- Sản xuất rượu thủ công là hoạt động sản xuất rượu bằng dụng cụ truyền thống, không sử dụng máy móc, thiết bị công nghiệp.

Về phân cấp quản lý đối với rượu công nghiệp:

- Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp quy mô từ 3 triệu lít/năm trở lên: Bộ Công Thương là cơ quan cấp giấy phép.

- Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp quy mô dưới 3 triệu lít/năm: Sở Công Thương là cơ quan cấp giấy phép.

Về phân cấp quản lý đối với rượu thủ công:

- Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh: Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc UBND cấp huyện là cơ quan cấp giấy phép.

- Sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh: Hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu phải thực hiện kê khai theo mẫu gửi đến UBND cấp xã nơi hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu theo quy định tại Thông tư số 26/2019/TT-BCT ngày 14/11/2019 của Bộ Công Thương quy định biểu mẫu kê khai của hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh.

Bộ Công Thương là cơ quan liên tục thực hiện cắt giảm các thủ tục hành chính, trong đó có lĩnh vực kinh doanh rượu. Bộ Công Thương ghi nhận góp ý của ông và tiếp thu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực sản xuất – kinh doanh rượu, trong đó có Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu.