Tổng thống Nga, Thổ Nhĩ Kỳ điện đàm về nhà máy điện hạt nhân Akkuyu
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 06:33, 28/04/2023
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trong cuộc gặp bên lề một hội nghị tại Astana, Kazakhstan, ngày 13/10/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm ngày 27/4 trước khi hai nước khánh thành lò phản ứng hạt nhân đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại cuộc điện đàm, Tổng thống Erdogan đã cảm ơn ông Putin về sự giúp đỡ của Nga xây dựng nhà máy.
Hai bên cũng đã thảo luận về Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen và tình hình tại Ukraine.
Ông Putin cho biết hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và nông nghiệp.
Tổng thống Nga nhấn mạnh việc khánh thành nhà máy điện hạt nhân Akkuyu sẽ góp phần củng cố quan hệ giữa hai nước, đem lại các lợi ích kinh tế cho cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà máy điện hạt nhân Akkuyu, ở tỉnh Mersin, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, do công ty năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga xây dựng.
Hai tổng thống đã chứng kiến bằng hình thức trực tuyến buổi lễ đánh dấu việc cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho tổ máy thứ nhất của nhà máy điện hạt nhân Akkuyu.
Người đứng đầu công ty Rosatom, ông Andrei Likhachev cho biết: “Chúng tôi có kế hoạch hoàn tất việc vận hành cơ học của nhà máy vào năm 2024 để có thể sản xuất điện trên cơ sở bền vững từ năm 2025 như đã nhất trí.”
Ông mô tả nhà máy này là “công trình hạt nhân lớn nhất trên hành tinh.”
Trước đó, ngày 25/3, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thảo luận các vấn đề liên quan đến quan hệ đối tác song phương trong nhiều lĩnh vực.
Theo Điện Kremlin, tại điện đàm, Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan hoan nghênh những kết quả tích cực trong quan hệ thương mại-kinh tế, cũng như việc thực hiện thành công các dự án năng lượng chiến lược chung, trong đó có dự án cung cấp khí đốt và dự án xây nhà máy điện hạt nhân Akkuyu ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà máy Akkuyu được khởi công từ 2018 với tổng số vốn đầu tư khoảng 20 tỷ USD.
Nhà máy có công suất 4.800 MW, gồm 4 lò phản ứng, dự kiến sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập nhóm nhỏ các quốc gia sở hữu năng lượng hạt nhân dân sự.
Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng nhà máy này sẽ giúp giảm sự phụ thuộc của nước này vào việc nhập khẩu năng lượng hóa thạch./.